Toàn cảnh hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. |
Theo báo cáo, năm 2014, tăng trưởng kinh tế Tây Nguyên đạt 8,74%, sản xuất công nghiệp tăng 11%, thu hút đầu tư toàn xã hội đạt 65.782 tỷ đồng (tăng 11,53%).
Nhiều doanh nghiệp trong khu vực phục hồi sản xuất và đi vào hoạt động ổn định, tạo đà cho kim ngạch xuất khẩu tăng 49,3% với con số tuyệt đối đạt 2,51 tỷ USD.
Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người tại Tây Nguyên đạt 34,9 triệu đồng, tăng 13,6% và bằng 81% bình quân đầu người của cả nước.
Toàn khu vực trong năm qua có 61.000 người được đào tạo nghề, gần 99.000 lao động được giải quyết việc làm.
Công tác xóa đói giảm nghèo đối với các huyện, xã, thôn, buôn nghèo cũng được đẩy mạnh. Trong năm qua, đã có khoảng 34,6 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng xuống còn 10,12%.
Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được triển khai tích cực, chủ động; công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được tăng cường; hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn dân cư.
Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận vẫn còn tồn tại, như hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn chậm cải thiện, tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh còn chậm, tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp, buôn lậu gỗ trên tuyến biên giới chưa được ngăn chặn…
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang đánh giá công tác năm 2014 tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đã đề nghị Ban Chỉ đạo Tây nguyên cần sớm tham mưu với lãnh đạo cấp trên để ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Đại tướng cũng đề nghị tác tỉnh Tây Nguyên cần phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về việc kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên để phát triển khu vực, Đại tướng yêu cầu đảm bảo tiến độ, nhất là dự án đường đường Hồ Chí Minh, sân bay Pleiku (Gia Lai), Trường Sơn Đông và các dự án giao thông đã được phê duyệt khác…
Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam, đánh giá việc tái canh tác cây cà phê ở khu vực, giải quyết dứt điểm các tồn đọng tại các dự án thủy điện, đôn đốc việc cấp điện cho các buôn làng chưa có điện... tăng cường phối hợp, chỉ đạo công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên…
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã trích Quỹ an sinh xã hội của ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng 16.000 phần quà, trị giá 8 tỷ đồng cho các gia đình thuộc đối tượng chính sách của các tỉnh Tây Nguyên và các các tỉnh giáp Tây Nguyên.
Trước đó, chiều 25/1, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Tư lệnh Bộ Biên phòng đã tổ chức lễ Ký kết chương trình phối hợp đảm bảo an ninh biên giới khu vực Tây Nguyên. Chương trình phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự an toàn khu vực biên giới, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên và vùng phụ cận.
Vĩnh Yên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận