Chính trị

2015: Làm lành mạnh môi trường báo chí, xuất bản, Internet

20/02/2015, 09:00

Không có "vùng cấm" để làm trong sạch môi trường báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet - Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

20150209164829-mrtuan-0102-3
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

2014 được xem là năm có nhiều thành tựu nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông. Vậy đâu là những điểm nhấn quan trọng nhất trong bức tranh này, thưa Thứ trưởng?

Năm 2014, công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông đã được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…

Năm qua, Bộ đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng ban hành nhiều văn bản quan trọng. Nổi bật là nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và các quyết định của Thủ tướng về các vấn đề như: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và truyền thông các vùng biên giới biển, vùng biển, đảo Việt Nam đến năm 2020...

Bộ đã ban hành 20 thông tư và phối hợp ban hành 2 thông tư liên tịch; xây dựng và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng 27 đề án, trong đó có dự thảo luật An toàn thông tin, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Các cơ quan báo chí, xuất bản đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sự kiện chính trị lớn của đất nước; thường xuyên cập nhật, đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội; phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; qua đó làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội; củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, được nhân dân đồng tình.

Công tác quản lý nhà nước về viễn thông cũng ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển bền vững. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước tiếp tục giữ vững vị thế và thị phần áp đảo trên thị trường và từng bước vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Dịch vụ bưu chính, viễn thông luôn nằm trong nhóm hàng có chỉ số giá không tăng hoặc tăng thấp góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng trong nước. Lĩnh vực CNTT đã phát triển thành ngành mũi nhọn của kinh tế, xã hội, được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng ngày càng rộng rãi.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn lại những tồn tại, những việc mà mình chưa làm tốt như tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo dù đã có nhiều xử lý nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế. Công tác quản lý các đầu số cũng chưa thật tốt, còn nhiều bất cập.

Trong lĩnh vực an toàn thông tin, chúng ta đang phải đối mặt với các vụ tấn công ngày càng phức tạp, thế nhưng việc đảm bảo an toàn, an ninh lại chưa được các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đúng mức. Các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường Internet để tuyên truyền, chống phá Đảng và Nhà nước; kích động, xúi giục nhân dân, gây tâm lý hoang mang, nghi ngại, hiểu lầm trong xã hội.

Một số báo, trang thông tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, đặc biệt là các ấn phẩm phụ chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, đưa tin chưa được kiểm chứng, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí gây bức xúc trong dư luận, nhẹ thì đã bị xử phạt, nặng thi đình bản, tước giấy phép hoạt động, thu hồi ấn phẩm sai phạm, tịch thu tên miền.

Trong lĩnh vực xuất bản, một số NXB thông qua liên kết đã lợi dụng để bán giấy phép, để cho tư nhân thao túng... Hiện tượng làm sách giả, sách lậu và in lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Đó là những bất cập, tồn tại mà năm 2015, Bộ sẽ phải chấn chỉnh lại để ngành có thể phát triển lành mạnh hơn, đi đúng hướng hơn.

Vậy để giải quyết những tồn tại trên, cần những hành động và giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?

Cùng với việc triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, năm 2015, Bộ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Hiến pháp; các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật của đất nước, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, nhất là kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Tiếp tục thông tin, tuyên truyền làm cho các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, trong nước, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch, xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự đoàn kết một lòng xung quanh sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.

Thứ hai, nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu, phải quan tâm đầu tư hơn nữa để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng văn bản, phục vụ kịp thời nhu cầu quản lý và phát triển. Các Sở TT& TT, hội, hiệp hội và doanh nghiệp cần tích cực trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật An toàn thông tin, luật Báo chí sửa đổi, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Thứ ba, tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên nguyên tắc không có "vùng cấm" để làm trong sạch môi trường báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được tổ chức bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn trong điều kiện lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng.

Thứ tư, quản lý và phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của Internet, thông tin trên mạng.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn mạng, an toàn thông tin; tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; hình thành hệ thống các bộ phận chuyên trách về phòng chống tấn công mạng, khắc phục sự cố mạng, trước hết ở các cơ quan, tổ chức quan trọng để có lực lượng sẵn sàng ứng cứu tại chỗ và hỗ trợ lẫn nhau khi có các sự cố lớn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet, bảo đảm chủ quyền quốc gia về không gian mạng.

Thứ sáu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp bám sát yêu cầu tổ chức mô hình hoạt động tinh gọn, phương thức quản trị tiên tiến, chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư.

Và cuối cùng, sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 phê duyệt đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT và quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, qua đó xây dựng kế hoạch sát thực tế hơn, hiệu quả hơn và triển khai đồng bộ với các chương trình khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.