Thời sự

2015 và 3 khả năng biển Đông “dậy sóng”

18/02/2015, 13:51

Năm 2014 đã khép lại với những sự kiện “sôi sục” về biển Đông.

131
Giàn khoan Haiyang Shiyou-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam cùng các đội tàu hộ tống, tạo “điểm nóng” biển Đông 2014 - Ảnh: Xuân Huy

“Điểm nóng” biển Đông

Năm 2014 đã khép lại với những sự kiện “sôi sục” về biển Đông. Thực tế, kể từ khi “người khổng lồ” Trung Quốc “tỉnh giấc” và xoay trục hướng ra biển với tham vọng trở thành cường quốc biển, sớm thay thế Hoa Kỳ “cai quản biển khơi”, biển Đông đã không còn yên tĩnh.

Một trong các sự kiện nổi bật năm 2014 là sự kiện ngày 2/5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou-981 trên vùng biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Hành động này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Song song với việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 tại biển Đông, Trung Quốc cũng ráo riết thực hiện cải tạo và tiến hành xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Tư Nghĩa thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiến hành nạo vét trái phép các tuyến đường biển ở xung quanh đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời, họ cũng hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài 2 nghìn m cho mục đích quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Thêm nữa, Trung Quốc còn cho xuất bản bản đồ khổ dọc lãnh thổ Trung Quốc bao trọn cả biển Đông với đủ các hình thức từ đường 9 đoạn đến đường 10 đoạn, rồi đề nghị UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” bao gồm cả biển Đông trong đó.

Những hành động này của Trung Quốc nằm trong chiến thuật được gọi là ”cắt lát salami” (tích tiểu thành đại). Chiến thuật này chính là việc thực hiện các hành động nhỏ và tăng dần, tuy chưa đủ để có thể khơi mào cho một cuộc chiến quân sự, song nó có thể tích lũy theo thời gian để có được sự thay đổi chiến lược đáng kể. Chiến thuật này hiện đang là một thách thức đáng lo ngại cho các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, vốn vẫn bị coi là “nhược tiểu” trong con mắt của người Trung Hoa.

Đã có học giả dự đoán rằng, năm 2015 sẽ là năm biển Đông tương đối yên bình, bởi mục đích của Trung Quốc là độc quyền khai thác dầu thô tại khu vực biển Đông, mà với bối cảnh giá dầu mỏ thế giới đang tuột dốc, thì chi phí khai thác tại biển Đông sẽ không đủ mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế thì giàn khoan nước sâu của Trung Quốc hoạt động cho mục đích chính trị nhiều hơn là mục đích kinh tế. Cho nên, một số chuyên gia khác lại nghiêng về nhận định, biển Đông vẫn tiếp tục là một “điểm nóng” trong năm 2015, nhất là trong bối cảnh một nước có những tranh chấp trực tiếp tại khu vực biển Đông là Malaysia lên làm Chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời, bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Năm 2015, rất có thể sẽ tiếp tục là một năm đầy sóng gió trên biển Đông, nếu căn cứ vào xu thế hiện nay. Cục diện quốc tế hiện nay đã có nhiều biến chuyển mà trước đó ít ai ngờ tới. Nga và phương Tây đang trong một cuộc “chiến tranh lạnh” phiên bản mới. Hoa Kỳ cho dù nỗ lực “xoay trục châu Á”, nhưng “lực bất tòng tâm”. Sự bất ổn diễn ra đều khắp thế giới, khiến Hoa Kỳ phải “lao đao” giải quyết, cho nên dù Obama và các quan chức cao cấp khác của ông ta không ít lần khẳng định sự kiên định đối với chính sách này, cố gắng đưa ra sự bảo đảm cho các đồng minh của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn sự hung hăng từ Trung Quốc, nhưng đã không đạt được bất cứ kết quả thực tế nào.

132
 

Một năm khó bình yên

Như vậy, để dự báo tình hình biển Đông trong năm 2015, trước hết cần phải xem các nước ASEAN - cả các nước có tranh chấp lẫn không có tranh chấp - điều chỉnh phản ứng của họ ra sao trước chiến lược càng lúc càng rõ ràng của Trung Quốc, vừa bành trướng trên biển bằng cách dần dần thay đổi nguyên trạng biển Đông, vừa gắn chặt mình vào khu vực Đông Nam Á trên bình diện kinh tế.

Một diễn biến thứ hai cần chú ý là phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc, sớm nhất là sau ngày 16/6/2015 là thời hạn chót mà Tòa Trọng tài đã dành cho Bắc Kinh để trả lời luận chứng bổ sung mà Tòa đã yêu cầu Manila phải nộp trước ngày 15/3/2015.

Có ba khả năng sẽ khiến biển Đông “dậy sóng” năm nay. Thứ nhất, theo nhận định của bà Bonnie Glaser - chuyên gia về Trung Quốc từ CSIS (Hoa Kỳ) cho rằng Bãi Cỏ Mây ở Trường Sa (là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc nhưng hiện do Philippines kiểm soát) rất có thể trở thành “điểm nóng”. Trên bãi cạn này có xác một chiếc tàu cũ do Hải quân Philippines cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho một toán lính Thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ canh gác. Trong năm 2014, lực lượng Trung Quốc đã triển khai việc ngăn không cho Philippines mang vật liệu xây dựng đến nơi để gia cố chiếc tàu. Trong tình hình đó, rất có thể trong trường hợp mà chiếc tàu bị rệu rã và tuột khỏi bãi cạn này, lực lượng Trung Quốc có thể thừa dịp tiến chiếm luôn bãi cạn này và vấp phải sự chống đối của hải quân Philippines. Sự kiện này có thể dẫn đến sự căng thẳng trong khu vực.

Khả năng thứ hai là Trung Quốc có thể tái diễn việc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Báo chí Trung Quốc cho biết Quốc vụ viện nước này ngày 19/11/2014 đã phê duyệt “Kế hoạch hành động Chiến lược phát triển năng lượng 2014-2020”. Theo đó, Trung Quốc sẽ căn cứ phương châm tự chủ khai thác đi đôi với hợp tác quốc tế để tăng cường thăm dò, khai thác dầu khí biển gần các vùng biển Bột Hải, Hoa Đông và biển Đông. Về lâu dài, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại biển Đông thông qua việc triển khai các chiến hạm của Hải quân, tàu dân sự của các cơ quan thực thi pháp luật, đội tàu đánh cá của họ, và một giàn khoan thứ hai - Haiyang Shiyou-982, mới hơn và lớn hơn Haiyang Shiyou- 981.

Khả năng thứ ba mà một số báo chí quốc tế đã lo ngại là việc Trung Quốc sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông như đã làm trên biển Hoa Đông hồi năm 2013. Sau khi Trung Quốc cải tạo thành công các cấu trúc tại Hoàng Sa và Trường Sa, rất có thể Trung Quốc sẽ tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không nơi đây. Báo chí Đài Loan đã cho biết, dường như Trung Quốc đã bí mật thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại đây. Nếu vậy, tình hình an ninh khu vực sẽ rất căng thẳng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.