Chiều 3/11, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra dự báo, năm 2015, Việt Nam sẽ quay trở lại nhập siêu, ước tính nhập siêu khoảng 6 – 8 tỷ USD, bằng 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu (ước tính đạt 163 tỷ USD). Dự báo này đã được Bộ Công thương báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khóa 13 đang diễn ra.
Trước thắc mắc của báo giới về dự báo nhập siêu cho năm 2015 trong bối cảnh từ năm 2012 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu, ông Hải khẳng định, Bộ Công thương đã có nghiên cứu kỹ trên cơ sở thực tế và đưa ra 6 lý do cho dự báo trên.
Thứ nhất, thành tích xuất siêu thời gian qua phần lớn do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Tuy nhiên, năm 2015, các doanh nghiệp FDI cũng giảm xuất khẩu do công suất đã giới hạn và lợi nhuận của họ đã ở mức bão hòa với công suất thiết kế. “Nếu năm 2012, các doanh nghiệp FDI tăng xuất khẩu 31% thì mức tăng này năm 2013 chỉ còn 22%, 10 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 12%. Điều đó cho thấy, năng lực sản xuất của doanh nghiệp FDI đã dần đạt đỉnh”, ông Hải phân tích.
Thứ hai, theo dự báo, những mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đã được thành tích cao trong thời gian vừa qua như điện thoại và linh kiện điện tử sẽ không tăng cao trong năm tới. Năm 2012, xuất khẩu điện thoại của doanh nghiệp FDI tăng 120% so với năm 2011, thì năm 2013 chỉ tăng 43% và 10 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 6%. “Tăng rất cao khi các doanh nghiệp mới vào hoạt động nhưng rồi giảm rất nhanh chứng tỏ thực tế công suất của các doanh nghiệp chỉ có vậy”, ông Hải nói.
Thứ ba, năm 2015 là năm tiếp tục khó khăn khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều chuyển biến, các nhà đầu tư vào Việt Nam gia tăng nhập khẩu nhưng sẽ chưa thể sản xuất kịp để xuất khẩu, khiến nhập khẩu sẽ tăng cao hơn so với xuất khẩu.
Thứ tư, năm 2015, Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tham gia đầy đủ vào các liên minh kinh tế như: WTO, Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) và có thể là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Với hàng loạt chính sách miễn thuế, chính sách đầu tư thông thoáng, dịch vụ mở cửa, doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam, từ đó sẽ có nhu cầu lớn nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất… và vì vậy, sẽ làm tăng nhập khẩu.
Thứ năm, hệ quả của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại biển Đông khiến các doanh nghiệp Việt có xu hướng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, bớt tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá máy móc, thiết bị từ các nước khác như EU, Mỹ, Nhật hoặc Ấn Độ có chất lượng tốt, giá cao nên chắc chắn số tiền nhập khẩu sẽ lớn hơn.
Thứ sáu, nhiều tổ máy của dự án nhiệt điện bắt đầu chạy năm 2015 sẽ khiến Việt Nam phải nhập nhiều hơn các loại than phục vụ sản xuất và duy trì hoạt động của các nhà máy này khi kế hoạch sử dụng than trong nước đang hạn chế khai thác than cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, với việc hạn chế xuất khẩu dầu thô, đưa dầu vào phục vụ hoạt động nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ làm giảm giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Quỳnh Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận