Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 14%
Thông tin về chính sách tiền tệ năm 2022 ngày 28/12, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định.
“Nếu có điều kiện, các NH tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất, cộng với các trương trình hỗ trợ của Chính phủ, tạo hiệu ứng chung vừa có hỗ trợ của ngành NH vừa có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đặc biệt, dành nguồn vốn cho các lĩnh vực khó khăn, lĩnh vực cần ưu tiên; Không tập trung vốn cho các lĩnh vực không ưu tiên”, ông Tú nói.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%
Phó Thống đốc cũng cho biết, năm 2022 NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2021 là 12%.
Nhưng muốn doanh nghiệp khôi phục nhanh hơn thì tạm thời định hướng vẫn phải khoanh các khoản nợ đến hạn, nợ chưa trả được tiếp tục kéo dài thời hạn, tiếp tục cho vay để doanh nghiệp bứt phá.
“Năm nay mở rộng đến 14%. Đây là con số đặt ra để định hướng. Còn thực tế có thể hơn hoặc chưa đến vì năm tới có nguy cơ tác động đến lạm phát mà mục tiêu của chúng ta là ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát”, Phó Thống đốc cho hay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Kiều hối năm nay cao hơn năm ngoái hơn 10% khi đạt 12,5 tỷ USD.
Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan, tiền vào thị trường chứng khoán và bất động sản tăng mạnh, Phó Thống đốc cho biết, với tăng trưởng tín dụng năm 2022 dòng vốn phải hướng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế, chịu tác động mạnh của dịch bệnh.
Còn vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của NHNN là không tăng thêm mà còn phải kiểm soát chặt.
“NHNN sẽ thanh tra những khoản tín dụng vào trái phiếu mà một số tổ chức tín dụng phát hành không đảm bảo an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2022”, ông Tú nhấn mạnh.
“Với lĩnh vực bất động sản, vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì vẫn kiểm soát chặt chẽ”, ông Tú nói.
Tương tự, đối với tín dụng vào kênh chứng khoán, NHNN cũng định hướng vẫn cấp vốn cho kênh này với điều kiện phục vụ phát triển lành mạnh, ổn định; Còn nguồn vốn cho thị trường phát triển nóng thì cơ quan quản lý vẫn vẫn kiểm soát chặt.
Nhưng quản lý cách nào để tránh tình trạng “lách” quy định? “Phải có chính sách giám sát chặt chẽ dòng tiền. Chưa đến thời hạn mà quay vòng chảy vòng chứng khoán hoặc bất động sản thì tất nhiên việc kiểm soát dòng tiền này là vấn đề. NHNN cũng nhận thấy vấn đề đó và kiểm soát hơn để lành mạnh thị trường”, ông Tú khẳng định.
Nợ xấu tăng nhanh lên hơn 8%
Cũng tại cuộc họp báo Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin, kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các NH đã giảm 34 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đợt cam kết gần nhất của 16 ngân hàng lớn giảm lãi suất từ tháng 7 đến hết năm 2021, số tiền lãi cam kết giảm là 20 nghìn tỷ đồng, riêng bốn NHTM Nhà nước giảm thêm 4.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của NHNN, đến 30/11, các NH đã giảm 18.095 tỷ đồng tiền lãi suất, tương đương 87,78% số cam kết. Đến hết năm 2021, NHNN dự tính sẽ đạt 100% cam kết.
“Hiện nay có NH đã vượt số cam kết nhưng vẫn có NH mới thực hiện đạt 60-70%. Chúng tôi đã công khai trên website để dư luận đánh giá, có NHTM nào lãi nhiều mà giảm lãi suất thấp, để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp cứng rắn quyết liệt của NHNN, tất nhiên NHTM cũng là doanh nghiệp nhưng lúc này cần đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp theo đúng tính chất cộng sinh”, ông Đào Minh Tú nói.
Nói về nợ xấu, ông Tú cho hay, mục tiêu của NHNN là duy trì nợ xấu toàn ngành dưới 3%, tạo điều kiện cho NHTM phát triển quy mô, lành mạnh hoá quan hệ tín dụng… Tuy nhiên do dịch bệnh, số liệu thống kê đánh giá đến nay, nợ xấu nội bảng là 1,9%, cao hơn con số cuối 2020 là 1,69%.
Nếu tính cả nợ xấu bán cho Công ty mua bán nợ và tài sản (VAMC) và nợ tiềm ẩn thì nợ xấu nội bảng là 3,79%.
“Trong trường hợp thận trọng, tính đầy đủ hơn, tính toán tác động của dịch và cơ cấu đến hạn chưa trả, chính sách miễn giảm theo Thông tư 01, 03 và sau này là Thông tư 14 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu này là 8,2%. Nợ xấu này không ai mong muốn nhưng nó là của nền kinh tế, của dịch bệnh. Người ta không muốn, chứ không phải do sai phạm cố tình hay làm ăn thua lỗ”, ông Tú đánh giá.
Phó Thống đốc cũng cho hay, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì nợ xấu còn tăng hơn nữa.
“Cách đây hơn 10 năm khi nợ xấu 12–13% và ta đã phấn đấu nhiều năm để xử lý, trong đó có Nghị quyết 42, cả hệ thống chính trị đều quan tâm xử lý nợ xấu. Hơn 10 phấn đấu gần đạt mục tiêu xử lý nợ xấu thì lại có dịch này”, ông Tú nói và cho biết, bên cạnh xử lý nợ xấu NHNN đã báo cáo Chính phủ để có hành lang pháp lý mạnh hơn, đủ để xử lý nợ xấu trong bối cảnh mới.
“Nợ xấu do dịch thì càng cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức xử lý trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận