Năm 1941, Henry Luce - người sáng lập tạp chí Time và Công ty xuất bản Life and Fortune, từng nổi tiếng thế giới với tuyên bố “Thế kỷ 20 là Thế kỷ của nước Mỹ”, nơi tạo ra tự do, phát triển và làm thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng, theo nhận định của ông Zachary Karabell, cây bút quen thuộc trên tạp chí danh tiếng Chính sách Ngoại giao (FP), từ năm 2020 trở đi, thế giới đã hoài nghi và mất niềm tin ở người khổng lồ này.
Vỡ tan trụ cột quân sự
Ông Karabell cho rằng, khái niệm “Thế kỷ chống Mỹ” đã khá rõ từ trước đại dịch nhưng sau Covid-19, nó ngày càng được làm sáng tỏ và củng cố. Ông cho rằng, 3 trụ cột chính làm nên sức mạnh của nước Mỹ là: Quân sự, kinh tế và chính trị đã mờ nhạt, nếu không muốn nói là suy yếu nghiêm trọng.
Theo tác giả, ngay buổi đầu của kỷ nguyên mới, khoảng 20 năm trước, dường như Mỹ có thể vững tin khẳng định với chính mình và thế giới rằng, họ đã tìm thấy công thức tiềm năng độc nhất để theo đuổi dân chủ, nhấn mạnh vai trò của Mỹ là một siêu cường toàn cầu và là nền kinh tế đang phát triển, bền vững.
Washington khẳng định họ xuất sắc trong nghiên cứu, giáo dục, phát kiến và xứng đáng là tấm gương cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy thực tế chưa hoàn toàn đúng như người Mỹ mong muốn nhưng 3 trụ cột sức mạnh được kể trên của Mỹ đối với phần lớn thế giới cũng đạt đến độ gần như không thể phủ nhận.
Song, đại dịch Covid-19 hiện tại đã bộc lộ những vết nứt về cấu trúc thượng tầng của quốc gia này. Nó cho thấy: Một đất nước mà chính phủ trung ương bị cản trở không chỉ vì cấu trúc chính phủ liên bang 3 nhánh độc lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) mà còn bởi sự tự quản cấp bang, cấp vùng sẽ khó điều phối những nỗ lực quốc gia mạnh mẽ, chứ chưa nói đến trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự.
Trụ cột đầu tiên làm nên “Thế kỷ nước Mỹ” bị sụp đổ, chính là quân sự. Ban đầu, việc Mỹ tấn công và đưa quân vào Afghanistan sau khủng bố ngày 11/9 được thế giới ủng hộ đáng kể như một phản ứng tiêu diệt các tổ chức tiêu cực al Qaeda và thủ lĩnh khủng bố Osama bin Laden. Nhưng cuộc chiến ở Iraq của Mỹ vào tháng 3/2003 thì ngược lại vì nó dẫn đến động thái chiếm đóng đầy hỗn loạn và nhiều năm chiến tranh du kích chống lại quân đội Mỹ vẫn nổ ra ở đây.
Hình ảnh quân đội số 1 thế giới về quy mô và năng lực đã bị huỷ hoại sau hàng loạt cáo buộc Mỹ có hành vi tra tấn tại Iraq, ở cơ sở giam giữ trên Vịnh Guantanamo và ở một số khu vực khác trên thế giới, hoàn toàn đi ngược lại với Công ước Geneva mà Mỹ bảo vệ bấy lâu.
Ngoài ra, hình ảnh Mỹ còn sứt mẻ vì nhiều tiết lộ động trời khác như theo dõi người dân dưới vỏ bọc an ninh quốc gia, cuộc chiến chống khủng bố…
Sụp đổ niềm kiêu hãnh nhất
Trụ cột thứ 2 của Mỹ sụp đổ là kinh tế - một trong những niềm kiêu hãnh nhất trong quan điểm “Thế kỷ nước Mỹ” của ông Luce. Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nền kinh tế nở rộ của Mỹ trở thành thỏi nam châm hút nhân tài. Hàng loạt công ty kỹ thuật Mỹ làm nên sự bùng nổ về internet đầu tiên vào những năm 90 của thế kỷ trước và những làn sóng thành công nối tiếp từ năm 2000.
Bên cạnh đó, chương trình “Đồng thuận Washington” mà chuyên gia kinh tế John Williamson sử dụng lần đầu tiên vào năm 1989, qua đó tập trung phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường tự do, đã được ca ngợi rộng rãi vào những năm 80 của thế kỷ trước. Sau đó, nó trở thành nền tảng để hình thành cấu trúc thị trường tự do và kế hoạch mẫu cho những chiến lược tái thiết Đông Âu và nước Nga hậu 1989.
Cấu trúc này được nhiều tổ chức thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới sử dụng trong nỗ lực thúc đẩy các quốc gia trên toàn cầu dỡ bỏ rào cản thương mại, chấm dứt doanh nghiệp nhà nước và mở cửa cho dòng vốn toàn cầu. Từ đó, sức mạnh kinh tế của Mỹ trở nên mạnh mẽ đến mức gần như không có sự thay thế, trừ Trung Quốc. Thành công về kinh tế của Trung Quốc đại lục đã khiến vị thế của Mỹ trên trường quốc tế bị lung lay nhưng yếu tố chính làm xoay chuyển trụ cột kinh tế Mỹ đó chính là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009.
“Suốt nhiều năm trước, các nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi: Khi nào nợ xấu trong các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc khiến quốc gia này sụp đổ? Hoá ra, vấn đề không nằm ở các ngân hàng Trung Quốc mà ở các thực thể tương đương tại Mỹ”, ông Zachary Karabell nhận định trên tờ FP.
Vấn đề của họ đã trở thành bệnh truyền nhiễm lan ra toàn cầu. Hệ thống tài chính của Mỹ đã sống sót nhưng danh tiếng kinh tế Mỹ mà ông Luce vốn coi là yếu tố chính làm nên quyền lực Mỹ đã bị phá huỷ.
Niềm tự hào cuối cùng cũng suy yếu
Trụ cột cuối cùng là dân chủ. Nhiều năm liền, Mỹ luôn tự hào rằng, họ sở hữu nền dân chủ lâu đời và đáng tin cậy nhất thế giới với hệ thống chính trị duy nhất có thể giữ gìn quyền tự do cá nhân mà vẫn khai thác triệt để năng lượng từ tập thể. Họ thường xuyên chỉ trích và đôi khi ép buộc các đồng minh cũng như các đối thủ phải mở cửa và dân chủ hóa.
Nhiều người ở cả Mỹ và trên khắp thế giới tin rằng, việc chấm dứt “Thế kỷ nước Mỹ” là bi thảm nhưng một số khác cho rằng, bình minh của “Thế kỷ chống Mỹ” lại hứa hẹn quãng thời gian tươi đẹp hơn cho toàn cầu và cơ hội để nước Mỹ có thể sửa đổi những vấn đề thuộc về cấu trúc của họ.
Sức mạnh về dân chủ Mỹ trên thế giới cũng là biểu tượng và là ngọn đèn thu hút những người nhập cư, nhân tài. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, từ năm 2016, nền dân chủ của liên bang này đã bộc lộ không ít dấu hiệu căng thẳng.
Niềm tin cộng đồng và mức độ tham gia vào chính trường của người dân giảm mạnh đến mức đáng cảnh báo. Tác giả Zachary Karabell cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã làm xói mòn đáng kể vị thế của Mỹ trên toàn cầu.
Mặt khác, rõ ràng, cũng từ đại dịch Covid-19, những điều vốn được coi là sức mạnh của Mỹ thì nay lại trở thành điểm yếu bởi chính phủ không được quản lý một cách tập trung, chính trị chia rẽ sâu sắc và đa dạng văn hoá từ cấp bang đến liên bang. Những phản ứng của Mỹ trong đại dịch Covid-19 đã phá vỡ hình ảnh một quốc gia dân chủ cũng như khả năng quản trị của họ - trụ cột cuối cùng trong “Thế kỷ nước Mỹ”.
Biểu tình, đốt phá, bạo loạn ở Mỹ vì sự kiện công dân da màu bị cảnh sát chẹn cổ chết:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận