Quản lý

25 tác phẩm đoạt Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ III

25/08/2022, 11:09

Sau 1 năm phát động, Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ III đã có kết quả chính thức với 25 giải cá nhân và 3 giải tập thể.

Nhiều tác phẩm chất lượng cao, đầu tư công phu

Với mong muốn phát hiện và tôn vinh những tấm gương cống hiến vì sự nghiệp phát triển GTVT; ghi nhận những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp đổi mới, tạo đột phá phát triển GTVT, tạo tiền đề đưa đất nước tiến lên hiện đại, giàu mạnh, nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2022), Bộ GTVT tổ chức trao giải Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ III (2021-2022) và Phát động Giải lần IV (2022-2023).

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao giải Nhất cho nhóm tác giả Báo Giao thông và Báo Tuổi trẻ. Ảnh Tạ Hải

Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, GTVT là mạch máu để phát triển kinh tế, các công trình, dự án giao thông luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ “đi trước mở đường” tạo tiền đề cho phát triển KT-XH.

Sinh thời Bác Hồ từng nói: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì mọi việc đình trệ”. Hiện nay, giao thông là mạch máu của nền kinh tế, giao thông phát triển đến đâu, kinh tế sẽ phát triển tới đó.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá “Giải Báo chí viết về ngành GTVT” ngày càng quy tụ được nhiều cơ quan thông tấn báo chí tham gia với nhiều bài viết dài kỳ, chất lượng, mang ý nghĩa lớn đối với ngành GTVT.

Thành công của cuộc thi thể hiện sự quan tâm của các tác giả, nhà báo, cơ quan báo chí đối với sự phát triển của ngành GTVT. Tất cả những bài báo đều phản ánh thực tế, thực trạng phát triển của hạ tầng giao thông, từ đó, đề xuất giải pháp để khắc phục hạn chế, góp phần chung tay cùng Bộ GTVT tạo nên hệ thống giao thông tốt nhất, phục vụ phát triển KT-XH.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Tạ Hải

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Báo Giao thông, đại diện Ban Tổ chức cho biết, trong bối cảnh cả nước gồng mình chống dịch Covid-19, Giải vẫn có sức lan tỏa lớn. Sau 1 năm phát động, đã có gần 230 tác phẩm (tăng khoảng 30 tác phẩm so với lần thứ II), trong đó có gần 100 loạt bài dài kỳ của hơn 40 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương gửi bài tham dự.

Qua sàng lọc, tuyển chọn, các tác phẩm dự giải đa phần đảm bảo đúng thể lệ, có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới về những thành tựu của ngành GTVT từ khi đất nước đổi mới. Nhiều bài viết có những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng mới đóng góp vào công cuộc phát triển ngành GTVT.

Điểm nhấn đáng chú ý của năm nay là nhiều tác phẩm phóng sự, ghi chép, điều tra được đầu tư công phu về chất lượng nội dung, không chỉ nêu thực trạng mà còn chỉ rõ được những hạn chế, bất cập, yếu kém và đề xuất những giải pháp có tính thuyết phục cao, thông qua những thông tin ghi nhận, điều tra từ chính hơi thở thực tế của các phóng viên, nhà báo.

img

Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Bá Kiên chia sẻ các tác phẩm dự giải đa phần đảm bảo đúng thể lệ, có chất lượng tốt, có góc nhìn tươi mới về những thành tựu của ngành GTVT từ khi đất nước đổi mới. Nhiều bài viết có những sáng kiến, đề xuất, ý tưởng mới đóng góp vào công cuộc phát triển ngành GTVT

Chủ đề liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối GTVT, nhất là các đề tài về đại công trường cao tốc Bắc - Nam tiếp tục chiếm số lượng tác phẩm lớn trong năm nay và có nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nội dung.

Trong đó, loạt bài 5 kỳ: Khát vọng mở đường trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam của Báo Giao thông; Loạt bài 4 kỳ: Phát triển cao tốc & khát vọng “Đại lộ sinh đại phú” của Báo Nhân dân hàng tháng,… là những tác phẩm nổi bật của chủ đề này.

Đặc biệt, năm nay rất nhiều tác phẩm được đầu tư trình bày công phu, thể hiện sinh động, bằng những thể loại báo chí hiện đại, hấp dẫn, bắt mắt, lôi cuốn bạn đọc như: eMagazine, Infographic, Longform, Phóng sự ảnh,… Đáng chú ý là loạt bài: Khát vọng mở đường trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam của Báo Giao thông; Cảng biển - kết nối để vươn xa của báo Nhân dân điện tử; Dồn lực đầu tư cao tốc khu vực miền Đông của báo Tuổi trẻ;…

Giải năm nay cũng thu hút được nhiều tác phẩm thuộc thể loại phóng sự, ký, nhân vật. Nổi bật nhất là loạt phóng sự 5 kỳ: Hầm Hải Vân - Chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất Việt Nam của báo Tuổi trẻ.

Thể loại điều tra năm nay cũng có nhiều tác phẩm có chất lượng cao, được đầu tư công phu, bài bản như: Loạt bài 5 kỳ: Bất thường đường dây điều tra xe biếu tặng của báo Tiền phong và Loạt bài điều tra 5 kỳ: “Luật ngầm” nơi cửa khẩu của Báo Giao thông được đánh giá rất cao bởi sự dấn thân, nhạy bén và đeo bám đến tận cùng của nhóm phóng viên.

Đại diện nhóm tác giả đạt giải, Nhà báo Hoàng Thái Lộc (Báo Tuổi trẻ, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi) chia sẻ: Giải “Báo chí viết về ngành GTVT” được tổ chức thường niên đã tạo được uy tín và sự lan toả lớn. Đồng thời khích lệ những người làm Báo thực hiện công tác tuyên truyền về vai trò “đi trước mở đường” của ngành GTVT.

Báo Giao thông đoạt Giải Nhất với loạt bài điều tra

img

Ban Tổ chức Giải Báo chí viết về ngành GTVT chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả đoạt giải trong lần thứ III tổ chức

Ban Tổ chức cho biết, dù số lượng tác phẩm và cơ quan báo chí gửi bài tham dự giải tăng, chất lượng nội dung cũng cao hơn các năm trước, tuy nhiên, giải lần này chưa có những tác phẩm có tính sáng tạo và đột phá cao về ý tưởng nội dung, có lối viết thực sự cuốn hút chạm đến đáy của cảm xúc của người đọc.

Chính vì vậy, Ban Tổ chức không lựa chọn được tác phẩm đạt Giải Đặc biệt. Thay vào đó, tăng số lượng giải Nhất từ 1 lên 2 giải; Giải Nhì từ 2 lên 3 giải. Ngoài ra còn có 5 giải Ba và 15 giải khuyến khích.

Với loạt bài điều tra 5 kỳ: “Luật ngầm” nơi cửa khẩu, Báo Giao thông đã đoạt giải Nhất Giải Báo chí viết về ngành GTVT lần thứ III.

Theo chia sẻ của tác giả, những ngày đầu năm 2022, đúng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, tác giả nhận được nhiều cuộc điện thoại cầu cứu của lái xe đường dài đang chờ xuất khẩu nông sản tại biên giới Lạng Sơn. Hầu hết các tài xế đều phản ánh tại các cửa khẩu từ lâu đã tồn tại nhiều loại “luật ngầm” bất thành văn. Muốn xuất khẩu nông sản sang biên giới, tài xế, chủ hàng phải chấp nhận chung chi khoản tiền lớn cho “nhà luật” (một dạng cò môi giới thủ tục).

Trong suốt những ngày tác nghiệp ở cửa khẩu Lạng Sơn, nhóm tác giả liên tục vào vai lái xe, chủ hàng cần móc nối xuất khẩu nông sản qua biên giới và chứng kiến cảnh hàng nghìn lái xe đang ăn, ở vạ vật tại các bãi chờ lên cửa khẩu. Cùng đó, là những cuộc “làm luật” khi muốn đưa xe nông sản xuất khẩu qua biên giới. Từ đó, phương thức hoạt động và các đường dây “làm luật” đã dần lộ diện, được phơi bày trên mặt báo.

Sau khi báo đăng, Công an tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc điều tra, bắt giữ, khởi tố, đưa ra xét xử nhiều cán bộ và “nhà luật” cấu kết, mua bán, tráo đổi “lốt” xe xuất khẩu với giá cả trăm triệu đồng/chuyến nông sản xuất khẩu.

Sau đó, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng vào cuộc chấn chỉnh “luật ngầm” nhằm minh bạch thông tin, hoạt động tại cửa khẩu. Nhờ đó tình trạng mua bán, tráo đổi lốt xe đã được dẹp bỏ, tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ tại cửa khẩu cũng từng bước được giải quyết.

Ngoài ra Báo Giao thông cũng đạt một giải Nhì với tác phẩm: Khát vọng mở đường trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam; Thể loại: eMagazine. Các phóng viên đã dấn thân, nhiều ngày ăn cùng, ngủ cùng, sống cùng, ghi lại những câu chuyện rất đời thường, từ những bữa ăn, những giấc ngủ vội để kịp vào ca trong cái nắng thiêu đốt của mùa hè, lạnh cắt da thịt của mùa đông; hay những căn bệnh khó nói, chỉ riêng có của những người làm giao thông,… trên công trường cao tốc Bắc - Nam. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn quyết tâm bám trụ công trường, dấn thân, nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Ban Tổ chức cũng trao 3 giải Tập thể, mỗi giải 10 triệu đồng cho 3 đơn vị có tác phẩm dự thi nhiều nhất gồm: Báo Bắc Giang; Thời báo tài chính và Tạp chí GTVT.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm trao giải cho các đơn vị đạt Giải Tập thể. Ảnh Tạ Hải

Các tác phẩm đt giải cụ thể như sau:

- 02 Giải Nhất, mỗi trị giá 30 triệu đồng, gồm:

+ Tác phẩm: “Luật ngầm” nơi cửa khẩu; Thể loại: điều tra; Tác giả: Văn Thương và Nhóm phóng viên Báo Giao thông.

+ Tác phẩm: Hầm Hải Vân - Chuyện chưa kể đào con hầm dài nhất Việt Nam; Thể loại: Phóng sự; Tác giả: Hoàng Thái Lộc, Báo Tuổi trẻ.

- 03 Giải Nhì, mỗi giải 15 triệu đồng, gồm:

+ Tác phẩm: Phát triển cao tốc và khát vọng “Đại lộ sinh đại phú”; Thể loại: Phản ánh; Nhóm tác giả: Đông Phong, Hoàng Dung, Thiên Bảo, Phùng Nguyên; Báo Nhân dân hàng tháng.

+ Tác phẩm: Khát vọng mở đường trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam; Thể loại: eMagazine; Nhóm tác giả: Nam Khánh - Tạ Hải - Xuân Huy - Văn Thanh - Sỹ Hòa - Phúc Tuấn - Tư Doãn - Quốc Quang; Thiết kế: Tường Media; Báo Giao thông.

+ Tác phẩm: Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng; Thể loại: Điều tra; Nhóm tác giả: Đức Nam - Nguyễn Văn Tuấn (Tuấn Nguyễn) - Nguyễn Xuân Hưng (Dương Hưng) - Vi Văn Bình (Vi Bình); Báo Tiền Phong.

- 05 Giải Ba, mỗi giải 10 triệu đồng, gồm:

+ Tác phẩm: Duyên nghiệp của ông Ba Dân; Thể loại: Ký chân dung; Tác giả: Thúy An, Báo Quân đội nhân dân.

+ Tác phẩm: Từ sông Gianh đến cầu cảng K15… hướng về Nam; Thể loại: Phản ánh; Nhóm tác giả: Thanh Long - Anh Tuấn - Nguyễn Văn Dưỡng; Báo Quảng Bình.

+ Tác phẩm: Giải phóng mặt bằng “0 đồng” để đường rộng, xe thông; Thể loại: Ghi chép; Báo Bắc Giang.

+ Tác phẩm: Khơi thông các tuyến đường thủy huyết mạch phía Nam; Thể loại: Phản ánh; Nhóm tác giả: Viết Long - Đào Trang; Báo Pháp luật TP.HCM.

+ Tác phẩm: Ùn ứ hàng hóa tại biên giới Trung Quốc; Thể loại: eMagazine, Phản ánh; Tác giả: Bùi Thế Anh; Báo Nông thôn ngày nay (Dân Việt).

- 15 Giải Khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng, gồm:

+ Tác phẩm: Lưu thông thời đại dịch: Chờ hành trình kết nối; Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Quang Toàn + Nhóm PV Thông tấn xã VN.

+ Tác phẩm: Cảng biển - kết nối để vươn xa; Thể loại: eMagazine; Nhóm tác giả: Thu Hà, Quang Hưng, Khánh Nam; Báo Nhân dân điện tử.

+ Tác phẩm: Dồn lực đầu tư cao tốc khu vực miền Đông; Thể loại: eMagazine; Tác giả: Phùng Anh Tuấn; Báo Tuổi trẻ.

+Tác phẩm: Lỗ hổng trong quản lý vận chuyển khách đường thủy; Thể loại: eMagazine; Nhóm tác giả: Trần Hữu Phúc - Trần Công Tú - Nguyễn Mạnh Thành Công - Thân Vĩnh Lộc - Nguyễn Lê Anh Tuấn; Báo Quảng Nam.

+ Tác phẩm: Những hình ảnh ấn tượng trên công trường các tuyến đường bộ cao tốc; Thể loại: Phóng sự ảnh; Nhóm tác giả: Vương Ngọc Hải (Thế Anh) - Quang Văn Hùng (Quang Hùng); Báo Nhà báo và Công luận.

+ Tác phẩm: Cách nào khắc phục bất cập đơn giá, định mức công trình giao thông; Thể loại: Phản ánh; Nhóm tác giả: Đình Quang, Vũ Thành Vũ, Hoàng Thạch, Lê Đình Hiện; Tạp chí GTVT.

+ Tác phẩm: Bài toán an toàn hành lang đường sắt Thủ đô: Đã đến lúc phải “giải đến nơi đến chốn”; Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh (Ánh Dương); Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

+ Tác phẩm: Xây “đường băng” cho đất chín rồng cất cánh; Thể loại: eMagazine; Nhóm PV: Nguyễn Thái Thiện (Thái An) - Võ Minh Thành (Anh Thư); Báo Ấp Bắc.

+ Tác phẩm: Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả lĩnh vực giao thông; Thể loại: Phản ánh; Nhóm PV: Vũ Thị Thanh Thủy - Vũ Lâm Hiển, Vũ Quang Khánh, Thiều Thị Anh Thơ; Báo Đại biểu nhân dân.

+ Tác phẩm: Chuyện những chuyến xe xanh chạy giữa lòng Thủ đô; Thể loại: Longform; Nhóm tác giả: Lê Mạnh Quốc - Nguyễn Lê Tùng Phong; Tạp chí Người đưa tin.

+ Tác phẩm: Bên những dòng kênh huyền thoại; Thể loại: Phản ánh; Nhóm tác giả: Thanh Nga - Hoàng Nam (Thường Sơn); Báo Long An.

+ Tác phẩm: Ngăn chặn xe quá khổ, quá tải “lộng hành” trên cầu Thăng Long; Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Cao Tuân; Báo Sức khỏe và đời sống.

+ Tác phẩm: Khan hiếm Shipper; Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Mai Hà (Hà Mai); Báo Thanh niên.

+ Tác phẩm: Việt Nam cần cuộc “cách mạng” đường sắt cao tốc; Thể loại: Phản ánh; Tác giả: Vũ Điệp; Báo Vietnamnet

+ Tác phẩm: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn, vướng pháp lý; Thể loại: Phản ánh; Tác giả Hữu Việt; Báo Tiền phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.