Chị Tâm nguyện dìu anh Thái đi hết cuộc đời |
Hạnh phúc tưởng chừng khép cửa
Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, khi vừa sinh ra anh Lê Hồng Thái (SN 1968, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã bị dị tật, hai chân lèo khèo, hở hàm ếch, móm hàm răng phía trên, một tai bị điếc và một mắt bị mờ. Sau này, gia đình mới biết, Thái nhiễm chất độc da cam từ người cha vốn là nhà báo chiến trường. Năm 1972, khi chưa kịp đưa con trai đi chữa trị, ông đã hy sinh ở mặt trận Quảng Nam.
Thương con, mỗi khi gom được chút tiền bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1934) lại tất bật đưa Thái đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Dù biết cơ hội chữa khỏi bệnh cho con rất mong manh, nhưng đổi lại nhờ những chuyến đi như thế mà anh Thái có thêm nhiều người bạn mới để có niềm tin vào cuộc sống. Họ chính là nguồn động viên tinh thần giúp anh vượt lên sự mặc cảm tự ti. “Lúc nhỏ tôi hay bị các bạn trêu chọc, nên rất ít giao lưu với mọi người”.
Mãi đến năm 24 tuổi, qua mai mối của bạn bè, anh Thái gặp được chị Tâm (SN 1972, nhà xã bên). “Lúc nghe bạn bè kể về anh, tôi thương lắm. Bởi 6 chị em trong gia đình tôi cũng mất mẹ từ nhỏ, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn”, chị Tâm tâm sự.
Cả hai quyết định thưa chuyện với người lớn, song đã vấp phải sự phản đối từ gia đình nhà gái. Ai cũng lo cho chị Tâm khi lấy người chồng không lành lặn, hay đau yếu. Nhưng bỏ qua tất cả, chị vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Đầu năm 1992, một đám cưới nhỏ diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, bạn bè và chòm xóm. Hình ảnh cô dâu rạng rỡ trong chiếc áo trắng, tay dìu chú rể lên hôn trường khiến khách mời không khỏi rơi nước mắt.
Rồi hạnh phúc nhân lên gấp bội, khi chị Tâm mang thai đứa con đầu lòng. “Khi biết mình mang thai tôi lo nhiều hơn vui, chỉ sợ con sinh ra lại bị di chứng da cam như bố thì càng thêm khổ. Nhìn con trai chào đời lành lặn, nước mắt tôi cứ thế trào ra”, chị Tâm rưng rưng kể.
Sau 7 năm, vợ chồng anh Thái lại đón thêm cậu con trai thứ hai. Tuy nhiên, khi chị Tâm vừa sinh con được ba ngày thì anh Thái phát bệnh tâm thần. Không những chửi bới, anh còn đánh đập cả vợ con lúc lên cơn. “Lúc đó, nhìn cảnh con khát sữa khóc ngặt, chồng đập phá, tôi buồn lắm. May có anh em phụ giúp, chứ mình tôi làm sao xoay xở”, chị Tâm nhớ lại.
“Tôi nợ vợ rất nhiều”
Từ ngày đó đến nay, hễ trái gió trở trời là bệnh anh Thái tái phát. Bởi vậy, tháng nào chị cũng chở chồng đi khám và lấy thuốc tâm thần về uống. “19 năm chồng phát bệnh tâm thần, lúc nào trong nhà cũng trữ thuốc. Giờ mỗi lần chỉ cần thấy anh có dấu hiệu lên cơn, miệng nói lẩm bẩm là tôi phải cho anh uống thuốc ngay”, chị Tâm nói.
Chồng tàn tật, đau ốm thường xuyên nên mọi việc lớn bé trong nhà đều do một tay chị lo liệu. Để có tiền trang trải cuộc sống, thuốc men cho chồng và nuôi các con ăn học, ngoài số tiền từ chế độ chất độc da cam của anh, chị Tâm phải xoay xở đủ nghề. “Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi đi buôn phế liệu, phụ hồ, mò con cua, con ốc ngoài đồng để bán miễn sao có tiền lo cho gia đình. Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, nhưng nhìn cảnh chồng ngồi một chỗ, hai đứa con đang tuổi ăn học. Tôi lại tự động viên mình, phải cố gắng làm việc để kiếm tiền thuốc men cho chồng và lo cho con”, chị Tâm trải lòng.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình cùng nỗi vất vả của mẹ, hai người con trai quyết định không thi vào đại học, mà chọn học nghề và đi bộ đội. Mấy năm trở lại đây, bệnh tình anh Thái ngày một nặng hơn, con mắt lúc trước anh còn thấy mờ mờ giờ bắt đầu tối dần, tai cũng không còn nghe được như trước. Bình thường ở nhà anh chỉ cần đến sự trợ giúp của chiếc gậy là có thể di chuyển được, nhưng mỗi khi cần ra ngoài phải có bàn tay dẫn dắt của vợ. Chị Tâm càng bận rộn, vất vả hơn.
“Hơn 25 năm vẹn nghĩa vợ chồng. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng giờ đây tôi chỉ mong chồng khỏe mạnh để cùng chung sống với ba mẹ con. Với tôi thế là hạnh phúc lắm rồi”, chị Tâm chia sẻ.
Hướng ánh mắt về người vợ tảo tần, bằng giọng nói ngọng nghịu anh Thái tâm sự: “Từ ngày cô ấy về sống chung một nhà, tôi thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Tôi nợ vợ tôi rất nhiều. Chính cô ấy đã cho tôi một gia đình hạnh phúc ấm áp tình yêu thương”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận