Xã hội

28 năm chưa gỡ được cơ chế đấu giá biển số xe

26/10/2021, 06:21

Cục CSGT đã đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên đến nay, sau hàng chục năm vẫn không có căn cứ pháp lý để triển khai vì vướng nhiều quy định.

Từ năm 1993, Cục CSGT đã đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên đến nay, sau hàng chục năm vẫn không có căn cứ pháp lý để triển khai vì vướng nhiều quy định.

Trong khi đó, nếu đấu giá, chắc chắn ngân sách sẽ thu được một số tiền rất lớn.

img

Nếu biển số xe được phép đấu giá, chắc chắn ngân sách sẽ thu được một số tiền rất lớn (Trong ảnh: Đăng ký biển số xe ở Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng)

Tài nguyên tiền tỷ đang bị lãng phí

Ngày 23/1/2021, một chủ xe Mercedes-Benz GLC 200 ở tỉnh Bình Dương gây chú ý khi bốc trúng biển số đẹp 61A - 888.88. Sau khi chiếc xe 1 tỷ đồng này gắn biển số ngũ quý, đã có khách trả giá tới 7 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 12/2020, 1 chiếc Kia Seltos 2020 bản Premium 1.4 Turbo vốn có giá niêm yết 719 triệu đồng đã được rao bán với giá 1,5 tỷ đồng vì chủ xe may mắn bốc được biển số “lộc phát” 686.86.

Hay tháng 9/2020, 1 chiếc Mercedes Benz C300 AMG phiên bản mới 2020 sở hữu biển số 51H - 777.77 được rao bán với giá 5,5 tỷ đồng, trong khi giá niêm yết 1,929 tỷ đồng...

Câu chuyện ô tô bỗng nhiên tăng giá tiền tỷ sau khi có biển số đẹp khá phổ biến. Nhiều chủ xe sang đắt tiền ao ước có được chiếc biển số đẹp tương xứng, sẵn sàng chi tiền tỷ để mua. Nhiều người tiếc nuối khi nhìn những biển số đẹp tiền tỷ được gắn trên những chiếc xe “cỏ”, bình dân giá vài trăm triệu đồng.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực tế có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua biển số đẹp nhưng pháp luật lại không cho phép.

Vì vậy, thực hiện đấu giá biển số đẹp sẽ có lợi ích kép khi đáp ứng nhu cầu của người dân, thu được ngân sách, đồng thời chấm dứt được tình trạng thu lợi cá nhân từ việc ngẫu nhiên bốc được biển số đẹp; hoặc chạy “cửa sau”, chi tiền để có biển đẹp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, biển số ô tô đẹp được coi là kho tài sản lớn và việc đấu giá được thực hiện từ lâu.

Tại Việt Nam, trước đây, một số địa phương như Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng tổ chức thí điểm đấu giá biển số xe. Số tiền thu được lên tới hàng tỷ đồng, được dùng để hỗ trợ người nghèo nhưng do thiếu tính pháp lý nên phải tạm dừng.

Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Đăng ký và Quản lý phương tiện, Cục CSGT cho biết, từ năm 1993, Cục CSGT từng đề xuất đấu giá biển số xe, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực từ năm 2008), việc mua bán biển số xe bị cấm.

“Năm 2008, Công an một số tỉnh báo cáo Bộ Công an xin đấu giá biển số xe, Bộ Công an đã trao đổi với các Bộ chức năng báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho đấu giá biển số.

Sau đó, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số”, Trung tá Công cho hay.

Cần một Nghị quyết cho phép thí điểm

img

CSGT TP Hà Nội kiểm tra đối với ô tô đăng kí trên địa bàn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đấu giá biển số phương tiện giao thông là một chủ trương đã có từ lâu.

“Tôi cho rằng, chủ trương này là rất đúng. Tuy nhiên, khi tiến hành đấu giá biển số phương tiện giao thông thì liên quan đến nhiều luật, như Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ”, ông Giang nói.

Theo ông Giang, hiện theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi mà một quy định khác với luật thì Chính phủ có thể trình Quốc hội một Nghị quyết để thực hiện thí điểm trong một thời gian nhất định. Từ đó các chính sách thí điểm sẽ được trong Nghị quyết này.

“Quốc hội hoàn toàn có thể quyết được trong Nghị quyết này những quy định khác với luật hiện hành. Thời gian thí điểm có thể là khoảng 5 năm, hết thời gian này chúng ta có thể tổng kết, nếu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị sửa luật”, ông Giang nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình và cho rằng, biển số phương tiện giao thông là tài nguyên quốc gia (dạng tài nguyên số, tài nguyên mềm).

Nhiều người bỏ hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng để sở hữu những loại tài nguyên trên, tuy nhiên hiện ngân sách vẫn không thể thu được thuế từ đây nếu không đấu giá.

Theo đại biểu Hòa, hiện một số luật không cho phép việc mua bán biển số phương tiện giao thông, không đưa biển số phương tiện giao thông vào danh mục tài sản được phép đấu giá. Chính vì vậy, cần phải có những phương án tháo gỡ.

“Nếu chưa thể sửa luật thì chúng ta có thể đề xuất việc thực hiện thí điểm mô hình đấu giá biển số phương tiện giao thông bằng một Nghị quyết. Nếu mang lại hiệu quả thì tôi nghĩ là các cơ quan liên quan sẽ nhất trí việc ban hành chính sách cho phép việc đấu giá biển số”, ông Hòa nhìn nhận.

Hai phương án về quyền sở hữu biển số

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đang tiếp tục hoàn thiện Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá để trình Chính phủ xem xét.

Theo dự thảo đề án đấu giá biển số xe, việc đấu giá sẽ do một công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm.

Tất cả các biển số xe sẽ được công khai trên mạng để người dân lựa chọn. Nếu biển số nào có nhiều người cùng thích, muốn sở hữu thì sẽ đưa ra đấu giá và ai trả giá cao nhất sẽ được sở hữu.

Về quyền sở hữu tài sản là biển số xe đấu giá, hiện dự thảo đề án của Bộ Công an đang đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 quy định biển số gắn với người, tức là người sở hữu biển số đẹp đấu giá được thì khi bán phương tiện vẫn có thể giữ biển số lại để đăng ký cho phương tiện khác và có thể mua bán, cho, tặng, thừa kế.

Phương án thứ 2 là chỉ cho phép sử dụng biển số đấu giá gắn với 1 phương tiện đã được đăng ký.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.