“Sisu” là một ý niệm và cách sống đã có mặt trong văn hóa Phần Lan suốt hơn 500 năm qua. Tiến sĩ E. Elisabet Lahti là chuyên gia tâm lý học và là nhà nghiên cứu tiên phong về “sisu”.
Sinh ra và lớn lên ở Phần Lan, cô có bằng thạc sĩ về tâm lý học xã hội và tâm lý học tích cực. Cô giải thích rằng, không có từ cụ thể để dịch nghĩa chính xác "sisu", nhưng ý niệm này tập trung vào sự quyết tâm và lòng dũng cảm. Đó là về việc liệu chúng ta có đủ can đảm để tiến về phía trước khi đối mặt với nghịch cảnh và cơ hội vượt qua gần như bằng không.
Trong 6 năm liên tiếp, Phần Lan giữ vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đã sống ở đây gần như cả cuộc đời, tôi tin rằng sisu đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe và khả năng duy trì tư duy tích cực và kiên cường của người dân Phần Lan.
Là một chuyên gia tâm lý, tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình để dạy mọi người cách kết hợp sisu vào cuộc sống. Và sau đây là lời khuyên tốt nhất của tôi:
1. Tìm một mục đích bên ngoài bản thân bạn
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Angela Duckworth, chúng ta có thể chịu đựng nhiều hơn khi biết hướng tới điều gì đó đóng góp cho thế giới bên ngoài bản thân chúng ta.
Để thu thập dữ liệu trực tiếp về sisu cho luận án tiến sĩ của mình, tôi đã hoàn thành chuyến chạy bộ thám hiểm dài 1.500 dặm khắp New Zealand. Tôi dành riêng cuộc chạy của mình để nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình. Mỗi khi tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc sắp bỏ cuộc, việc nghĩ về mục đích lớn hơn đó lại giúp tôi tiến lên phía trước.
Khi bạn đón nhận một thử thách mới hoặc cần sức mạnh để tiếp tục, hãy hướng đến một mục đích lớn hơn để kết nối. Đó có thể là gia đình hoặc bạn bè, hoặc ai đó truyền cảm hứng cho bạn, hoặc một lý do gần gũi với trái tim bạn.
2. Tăng cường khả năng bền bỉ thông qua luyện tập
Trước khi chạy, tôi đã tập luyện gần như mỗi ngày trong 2 năm. Tôi đã chạy bộ ngay cả khi bản thân không muốn vậy. Tôi luôn cố chạy, dù trời mưa hay nắng.
Sự luyện tập và chuẩn bị giúp việc khai thác sisu dễ dàng hơn. Các nghiên cứu cho thấy cơ thể chúng ta có những nguồn dự trữ tiềm tàng mà cơ thể sẽ sử dụng một cách tự nhiên khi chúng ta cần chúng nhất. Vì vậy, khi càng thử thách bản thân, chúng ta càng có nhiều thói quen giúp củng cố khả năng phục hồi bền bỉ của chính mình.
Tập trung vào hơi thở để làm dịu hệ thống thần kinh là chiến lược đã cải thiện việc chạy của tôi. Theo thời gian, tôi đã tiến bộ từ một người mới bắt đầu cho đến một người có thể chạy với tốc độ 10 đến 15 dặm một ngày.
3. Nhẹ nhàng với bản thân và kết nối với thiên nhiên
Tôi đã từng nghĩ rằng để thành công, tôi phải nghiêm khắc với bản thân mình. Nhưng nếu bạn không cân bằng giữa sự nghiêm khắc với sự nhẹ nhàng, bạn sẽ chỉ có thể đi một quãng xa nhất định.
Tôi đã bị thương một lần trong thời gian tập luyện. Tôi đã chạy 30 dặm một ngày trong 12 ngày liên tiếp. Tôi đã phải tự hỏi mình nên từ bỏ hay thúc đẩy bản thân hơn nữa.
Nhưng tôi quyết định đi đến lựa chọn khác: Để cơ thể mình tự chữa lành. Và vì tôi không còn cố gắng đáp ứng tốc độ chóng mặt nữa, tôi đã có nhiều thời gian hơn để biết trân trọng vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh trong suốt chuyến thám hiểm của mình.
Ở Phần Lan, đi bộ và đi bộ đường dài trong tự nhiên là một phần cốt lõi trong văn hóa. Nó giúp chúng ta tìm thấy sự bình tĩnh bên trong và cảm giác hạnh phúc, nâng đỡ chúng ta trong những thời điểm khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận