Chúng ta cần biết rằng khi trẻ học được sự đồng cảm sớm trong quá trình phát triển, sẽ dẫn đến các kỹ năng đồng cảm mạnh mẽ hơn trong cuộc sống và tương lai sẽ trở thành một người biết đối xử tốt, tôn trọng và quan tâm đến người khác.
Đồng cảm không phải là một đặc điểm cố định, nó có thể được khuyến khích và nuôi dưỡng bởi những người xung quanh. Dấu hiệu của sự quan tâm, đồng cảm ở trẻ em đã được ghi nhận ngay khi trẻ mới từ 8 đến 10 tháng tuổi. Biểu hiện của sự đồng cảm khá rõ ràng, chẳng hạn như thể hiện sự lo lắng khi ai đó đang khóc, có thể được nhìn thấy ở trẻ mới biết đi. Để khuyến khích trẻ phát triển sự quan tâm, thông cảm, thấu hiểu với người khác hãy làm theo những lời khuyên sau đây.
Bất kỳ khi nào có thể, hãy thể hiện sự ấm áp và đồng cảm với trẻ
Trẻ luôn theo dõi người khác để học cách cư xử và tương tác phù hợp, và thường bị ảnh hưởng mạnh bởi những hành vi mà chúng nhìn thấy xung quanh. Bạn có thể là một hình mẫu tốt qua cách nhìn nhận cảm xúc của người khác và thể hiện sự hiểu biết và cảm thông khi ai đó buồn bã, đau khổ, thất vọng hoặc cần sự giúp đỡ.
Khi trẻ thể hiện cảm xúc tiêu cực, hãy nhận ra cảm giác của chúng. Mang đến cho trẻ sự ấm áp, cảm thông, chia sẻ cho đến khi con ổn hơn. Ví dụ, nếu trẻ khóc, hãy nói: “Con khó chịu à hay con buồn, mẹ có thể giúp gì?"
Kết nối cảm xúc, suy nghĩ và hành vi
Khi nói về cảm xúc, hãy kết nối các hành vi với tình cảm dành cho trẻ em để chúng hiểu được nguyên nhân và kết quả.
Ví dụ: “Max đang cảm thấy buồn vì Oliver lấy đồ chơi của mình. Làm gì để giúp Max cảm thấy tốt hơn?”
Dạy trẻ về nguyên nhân và kết quả cũng có thể được thực hiện thông qua các câu chuyện, diễn kịch hoặc đọc sách. Nói chuyện với trẻ về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của các nhân vật. Các nhân vật có thể làm gì tiếp theo? Kết nối các kịch bản này với kinh nghiệm riêng của trẻ. Ví dụ, nếu nhân vật buồn vì nhớ bố mẹ, hãy kết nối cảm giác đó với một thời gian con tỏ ra buồn bã vì chuyện tương tự. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa cảm xúc, suy nghĩ và hành vi.
Đối với trẻ lớn hơn (từ 5 tuổi trở lên), có thể yêu cầu con đưa ra quan điểm của mình: “Con nghĩ họ cảm thấy thế nào? Tại sao họ có thể buồn? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ?”
Xây dựng một “bầu không khí” đồng cảm
Trong một gia đình, hoặc là một lớp học, tập trung vào việc cùng nhau xây dựng bầu không khí của sự thấu hiểu, đồng cảm và biết chia sẻ. Khuyến khích trẻ đồng cảm, biết quan tâm tới gia đình và bạn bè.
Nếu con của bạn, hoặc một đứa trẻ trong lớp học của bạn đang chia sẻ sự đồng cảm với một ai đó, hãy khích lệ và khen ngợi sự tốt bụng đó của trẻ. Điều này sẽ thúc đẩy các hành vi tốt đẹp trong tương lai và các kỹ năng đồng cảm này sẽ giúp trẻ thành công hơn nữa trong cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận