Y tế

3 cháu bé ở Nghệ An nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" hiện ra sao?

16/09/2019, 11:58

Sau một thời gian dài điều trị cháu T. một trong 3 bé bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người đã được xuất viện"

img
3 cháu bé ở Nghệ An bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Sáng 16/9, ông Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, trong 3 bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh Whitmore, 1 bệnh nhân sức khỏe ổn định, đã xuất viện về nhà.

Cụ thể, ba bệnh nhân mắc bệnh Whitmore gồm: Nghiêm Thanh T. (14 tuổi, ngụ huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Hoàng Văn C. (10 tuổi, ngụ xã Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An), Nguyễn Công H. (11 tuổi, ngụ xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).

Theo ông Cương, sau khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore, các bác sĩ của bệnh viện đã chủ động dùng kháng sinh Meropnen tiêm vào tĩnh mạch, đồng thời kết hợp với nhiều loại kháng sinh khác. Tuy nhiên, vi khuẩn Whitmore rất nhạy cảm nên cần điều trị dài ngày hơn so với loại vi khuẩn khác.

"Sau khi khoanh vùng và điều trị được ổ nhiễm trùng chúng tôi đã cho cháu T. xuất viện về nhà và hẹn tái khám định kỳ. Riêng 2 em H. và C. đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện", ông Cương thông tin.

Cũng theo ông Cương, năm 2017 - 2018, bệnh viện Sản Nhi cũng điều trị cho 4 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Whitmore và sau đó không thấy họ bị bệnh trở lại.

Được biết, vi khuẩn Whitmore thường sống trong bùn đất và nước, lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn, thường bùng phát vào tháng 7, 11.

Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc dịch não tủy.

Căn bệnh này hiện chưa có vaccine phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do whitmore cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.