Thị trường

3 điều ngoài hệ thống pháp luật được Phó Thủ tướng “răn” doanh nghiệp

26/06/2019, 15:18

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 3 điều doanh nghiệp cần thực hiện nếu muốn tồn tại lâu dài.

img
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra ngày 26/6.

Nhìn nhận lại những thành quả của kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng khó khăn, thách thức xuất phát chủ yếu từ những yếu kém nội tại. Đó là năng suất, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam vẫn còn thấp; trình độ quản trị, hiệu quả kinh doanh, năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ cũng như sự liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những bất cập; thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng… còn khó khăn; chi phí về vốn, logistics, thủ tục hành chính còn cao.

Dù tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng tỷ lệ doanh nghiệp so với dân số bình quân còn thấp. So sánh với một số nước, Việt Nam mới đạt tỷ lệ khoảng 140 người dân có 1 doanh nghiệp, trong khi bình quân các nước ASEAN tỷ lệ này là 80/100-1, còn các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU tỷ lệ này là 10-12 người dân có 1 doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh đó, phát triển nhanh và bền vững là chủ trương, quan điểm nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Việt Nam với mục tiêu phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách với các nước đang phát triển”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng nêu 7 giải pháp lớn mà Chính phủ tiếp tục quyết tâm triển khai. Trong đó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.

“Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh lan tỏa của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi lực lượng lao động giản đơn, năng suất thấp vẫn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam. Phải tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực để Doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Phó Thủ tướng cũng nêu mục tiêu hoàn thiện thể chế và đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ...

“Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Tôi đánh giá cao chủ đề Diễn đàn lần này là “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” vì doanh nghiệp chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ. Doanh nghiệp có nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cung cấp đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.

Cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: Kinh tế, pháp lý và đạo đức.

Về khía cạnh kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận với đối xử thỏa đáng với người lao động, tạo cơ hội để người lao động phát triển nghề và chuyên môn, thụ hưởng môi trường lao động an toàn, vệ sinh và đảm bảo quyền riêng tư, cá nhân ở nơi làm việc. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để phát hiện những nguồn tài nguyên mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển sản phẩm; liên kết mạnh mẽ với khu vực trong nước để cung cấp hàng hoá và dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm và cạnh tranh lành mạnh.

Về khía cạnh pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ những quy định về pháp lý đối với các bên liên quan thông qua việc tuân thủ những quy định về cạnh tranh, bảo vệ khách hàng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự công bằng và an toàn, cung cấp những sáng kiến chống lại những hành vi sai trái. Doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình.

Về khía cạnh đạo đức, mặc dù đây không phải là những ràng buộc pháp lý, nhưng khía cạnh đạo đức của doanh nghiệp lại vô cùng quan trọng với cộng đồng.

“Đây là những hành vi và hoạt động mà xã hội mong đợi ở doanh nghiệp nhưng không được quy định trong hệ thống luật pháp. Do đó, những gì doanh nghiệp quyết định đúng, cùng chia sẻ lợi ích sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

img

Giá vàng hôm nay (26/6): Tăng mạnh, vàng trong nước tiến tới mốc 40 triệu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.