Chưa bao giờ Boeing lại rơi vào khủng hoảng sâu rộng đến thế khi 2 vụ tai nạn thảm khốc đối với các máy bay 737 MAX xảy ra chỉ trong vòng 5 tháng. Đối mặt với việc danh tiếng bị hủy hoại, rớt giá cổ phiếu, bị hủy hợp đồng mua máy bay với số lượng lớn, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đang vật vã thoát khỏi khủng hoảng?
Cải tổ nhân sự
Trong email thông báo về tình hình nhân sự nội bộ mà hãng tin Reuters tiếp cận được, Boeing đã đề cập việc cải tổ nhân sự cấp cao của hãng. Trong đó, ông John Hamilton, người trước đây đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật kiêm kỹ sư trưởng Bộ phận máy bay thương mại của Boeing sẽ chỉ tập trung vào vai trò kỹ sư trưởng.
Giám đốc điều hành bộ phận này, ông Kevin McAllister đã giải thích trong email rằng, việc thay đổi nhân sự là để cho phép ông Hamilton tập trung hoàn toàn vào cuộc điều tra vụ tai nạn liên quan đến 737 MAX đang diễn ra.
Hãng Boeing đã từ chối bình luận về nội dung email này. Tuy nhiên, tiểu sử các cán bộ trên website của hãng đã cho thấy sự điều chỉnh này có hiệu lực ngay trong tháng 3. Vị kỹ sư trưởng này cũng là người phụ trách giám sát chương trình ủy thác nằm trong quy trình cấp chứng chỉ bay của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) (quy trình này được gọi là Ủy quyền Chỉ định Tổ chức -ODA)
Việc điều chỉnh nhân sự đã cho thấy hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới đang cải tổ các nguồn lực kỹ thuật khi họ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ trong quá trình điều tra 2 vụ tai nạn đối với các máy bay 737 MAX, trong khi vẫn duy trì sản xuất dòng máy bay này.
Cho đến nay, các cơ quan quản lý hàng không toàn cầu đã đình chỉ hơn 300 máy bay 737 MAX và việc giao gần 5.000 chiếc thuộc dòng máy bay này của Boeing (trị giá hơn 500 tỷ USD) đang bị trì hoãn trong bối cảnh các nhà lập pháp và các chuyên gia an toàn hàng không đặt dấu hỏi về độ an toàn của dòng máy bay mới cũng như việc đào tạo, huấn luyện phi công lái loại phi cơ này.
Cung cấp tính năng an toàn mới
Boeing cũng đang có kế hoạch cung cấp một tính năng an toàn mới cho các máy bay 737 MAX. Tính năng này hiện đang được cảnh báo có thể đóng vai trò trong vụ tai nạn máy bay tại Ethiopia và Indonesia.
Hai nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết, được xem xét sau các sự cố nghiêm trọng, đèn cảnh báo buồng lái (thiết bị an toàn trong danh mục tùy chọn trước đây) sẽ là một phần trong các chương trình cập nhật phần mềm cho các máy bay 737 MAX. Điều này có nghĩa là các máy bay 737 MAX đang được sử dụng bởi các hãng hàng không trên toàn cầu cũng được lắp thêm thiết bị này.
Vụ tai nạn ngày 10/3 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng đã đặt ra một trong những câu hỏi lớn nhất trong lịch sử ngành Hàng không dân dụng và đặt ra những nghi ngại về an toàn với dòng máy bay MAX của Boeing - vốn được kỳ vọng trở thành tiêu chuẩn trong nhiều thập kỷ.
Các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy sự tương đồng giữa vụ tai nạn ở Ethiopia và vụ tai nạn ở Indonesia hồi tháng 10/2018, thảm họa khiến toàn bộ 189 người trên máy bay tử nạn.
Mối liên kết trực tiếp giữa các vụ tai nạn chưa được chứng minh, nhưng các chuyên gia hàng không đã tập trung chú ý vào hệ thống tăng cường tính năng điều khiển MCAS (hệ thống tự kích hoạt giúp máy bay chống thất tốc), điểm khác biệt giữa máy bay dòng 737 MAX và 737 cũ hơn.
Hiện, chưa rõ Boeing sẽ mất bao lâu để hoàn thiện cài đặt trên các máy bay 737 MAX hiện tại với các hệ thống phần mềm và phần cứng mới nhất. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để các cơ quan quản lý xem xét và phê duyệt các thay đổi. Trong đó, cơ quan quản lý hàng không ở châu Âu và Canada cho biết, họ sẽ tiến hành đánh giá riêng về bất kỳ cải tiến mới nào của Boeing.
Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ đã không bình luận ngay lập tức về thông tin nêu trên. Tuy nhiên, cách đây vài ngày, tại London, Phó chủ tịch phụ trách Marketing của Boeing, ông Randy Tinseth cho biết, hãng sản xuất đang nhanh chóng thay đổi phần mềm của 737 MAX và hy vọng việc nâng cấp sẽ được FAA phê duyệt trong vài tuần tới.
Theo ông Tinseth, những thay đổi bao gồm trình kiểm soát máy bay, cập nhật về màn hình hiển thị trong buồng lái, tài liệu hướng dẫn chuyến bay, cũng như việc đào tạo phi công. Đáng lưu ý, tất cả các cải tiến đã được Boeing thử nghiệm trong cả chương trình bay giả lập và trên thực tế.
“Những điều này được đưa ra để cải thiện hơn nữa sự an toàn nhằm đảm bảo rằng, các thảm họa sẽ không xảy ra lần nữa”, ông Tinseth nhấn mạnh và nói thêm rằng, còn quá sớm để suy đoán về kết quả của các cuộc điều tra.
Chương trình bay giả lập
Chương trình bay giả lập cho dòng 737 MAX đang được sản xuất nhưng chúng vẫn chưa được giao cho hầu hết các hãng hàng không đã đặt hàng, hãng tin Reuters cho biết.
Điều này đặt ra dấu hỏi về việc đào tạo phi công cho các máy bay 737 MAX có phải đã bị xem nhẹ hay không, kể từ khi dòng máy bay này được đưa vào khai thác thương mại năm 2017.
Trong một động thái xoa dịu các lo ngại này, Boeing đã nhấn mạnh việc đào tạo các phi công liên quan tới các bản cập nhật phần mềm mới, sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Đồng ý với điều này, Liên đoàn phi công của Southwest Airline, hãng hàng không vận hành nhiều máy bay Boeing 737 MAX nhất trên thế giới cho biết, việc đào tạo bổ sung trên hệ thống giả lập sẽ là đòi hỏi bắt buộc từ phía liên đoàn sau khi Boeing cập nhật phần mềm của các máy bay này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận