Tiến độ các dự án lớn ở TP.HCM đang chịu áp lực hoàn thành vào cuối năm 2023. Trên thực tế, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng của thành phố. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là chậm giải phóng mặt bằng.
Ở phía đông, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (nhánh sông Đồng Nai) nối phường Long Bình và Long Phước (TP Thủ Đức), đã hoàn thành 98%.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư) cho biết dự kiến công trình hoàn thành và thông xe trong tháng 12 tới.
Đơn vị thi công đang hoàn tất các phần việc như sơn phân làn đảm bảo giao thông bộ, đảm bảo giao thông thủy, thoát nước mặt cầu và hệ thống chiếu sáng...
Dự án nâng cấp cầu Long Đại được phê duyệt hồi tháng 10/2015 (tên cũ là dự án Phước Thiện), tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng từ ngân sách. Công trình khởi công hồi năm 2017, đạt 65% tổng khối lượng rồi ngừng thi công từ 2019 do người dân không đồng ý với mức giá đền bù. Đến cuối năm 2022, dự án mới được gỡ vướng và thi công trở lại và tăng tốc hoàn thành như hiện nay.
Một dự án đáng chú ý khác cũng hoàn thành trong tháng 12 năm nay là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Đây là nhà máy có công suất lớn nhất TP.HCM hiện nay.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng thuộc gói thầu J, là một trong 6 gói thầu xây lắp lớn của dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2).
Công trình có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và nguồn đối ứng trong nước. Dự án được triển khai từ năm 2010 và phê duyệt thời gian hoàn thành vào tháng 6/2022. Hồi tháng 11/2022, dự án được đề xuất gia hạn đến cuối năm 2023.
Với công suất 469.000m3, nhà máy này có thể thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực hơn 2.100ha, khoảng 2 triệu người thuộc các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11. Ngoài ra, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của TP.HCM cũng như vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, các hạng mục thi công công trình mở rộng và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đã hoàn tất.
"Hiện, chỉ còn một số công việc hậu kiểm và thủ tục liên quan cấp phép môi trường để bàn giao nhà máy cho đơn vị vận hành", theo ông Phúc.
Trong số những dự án trọng điểm được kỳ vọng, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Hiện, công trình này đạt hơn 96% tổng khối lượng.
Từ nay đến cuối tháng 12, tuyến metro số 1 sẽ được hoàn thành thi công phần còn lại của 3 gói thầu chính và đánh giá an toàn hệ thống. Đầu năm 2024, chủ đầu tư tiến hành thanh toán và nghiệm thu các hạng mục xây dựng.
Theo kế hoạch dự kiến, tháng 2/2024, công tác đào tạo nhân sự vận hành thương mại tuyến metro hoàn thành. Đến tháng 4/2024, hệ thống cơ điện, công tác kiểm tra khắc phục khiếm khuyết, hiệu chỉnh máy móc hoàn tất. Tháng 5/2024, việc mua sắm thiết bị, lắp đặt hệ thống cơ điện, hệ thống công nghệ thông tin... cũng phải xong.
Tháng 6/2024, dự án tiếp tục được hoàn thành thi công nhánh trái và phải của cầu bộ hành các ga trên cao, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu hoàn thành dự án. Cuối cùng, tháng 7/2024, khai thác toàn tuyến metro số 1.
Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 (cuối năm nay). Chủ đầu tư cam kết không phát sinh chi phí. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đã đề ra mốc tiến độ đưa metro số 1 khai thác thương mại vào tháng 7/2024.
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM và là một trong 8 tuyến thuộc hệ thống metro của TP.HCM theo quy hoạch chung TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận