3 ngày đón hơn 82.000 lượt khách
Cà Mau - tỉnh ở cực Nam của Tổ quốc vừa trải qua thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động bị hạn chế, nhất là hoạt động thuộc lĩnh vực du lịch.
Thế nhưng, kể từ khi mở cửa trở lại (ngày 15/3), ngành du lịch của tỉnh này đã hồi phục nhanh và có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ diễn ra tại TP Cà Mau thu hút đông đảo khách đến tham quan, thưởng thức bánh.
Qua thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, từ ngày 9 - 11/4/2022, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đón hơn 82.000 lượt khách (tăng hơn 15 lần so với năm trước).
Trong đó, khách đến tham quan các khu, điểm du lịch hơn 71.800 lượt, khách lưu trú hơn 10.440 lượt. Tổng doanh thu ước đạt trên 47 tỷ đồng.
Khách đến du lịch nhiều nhất là tại khu du lịch Đất Mũi, Lý Thanh Long (huyện Ngọc Hiển), khu du lịch hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời), điểm du lịch sinh thái Thư Duy (TP Cà Mau), Hương Tràm, Hoa Rừng (U Minh)….
Riêng tại khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau thu hút lượng khách đến đạt hơn 5.000 người. Đây là số lượng khách đến khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ đạt cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, lễ hội tri ân đức Quốc Tổ, lễ hội bánh dân gian Nam Bộ cũng thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Về Cà Mau hòa mình với thiên nhiên, bơi xuồng, giăng lưới bắt cá lên nấu canh chua là hết sẩy.
Ông Huỳnh Vĩnh Trường - Trưởng Ban Quản lý khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, hiện các hoạt động du lịch đã trở lại như bình thường.
“Sau dịch, chúng tôi có chương trình kích cầu du lịch như học sinh, sinh viên được giảm 50%, học sinh tiểu học được miễn phí.
Các hộ kinh doanh trên địa bàn cũng giảm giá để thu hút khách. Vừa qua, các tour lữ hành xuống tham quan du lịch rất nhiều”, ông Trường cho hay.
Ngoài ra, để chủ động phục vụ du khách sau thời gian dài nghỉ do dịch Covid-19, các khu, điểm du lịch tại Cà Mau đã chỉnh trang, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, cuốn hút người đến.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ, những khách đoàn tìm về luôn muốn trải nghiệm cách bắt ong, chụp đìa bắt cá của người dân bản xứ.
“Thời điểm này, ong về nhiều, du khách đến đây ai cũng muốn trải nghiệm đi bắt ong. Đặc biệt, mình có thêm sản phẩm chụp đìa, được mọi người hết sức quan tâm”, anh Khanh chia sẻ.
Nghề gác kèo ông là ở Cà Mau được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nhiều sự kiện thu hút khách dịp 30/4 và 1/5
Tín hiệu ngành du lịch Cà Mau phục hồi còn được thể hiện ở việc nhiều nhà hàng, khách sạn và kể cả các khu, điểm du lịch sinh thái của tỉnh đã nhận nhiều đơn đặt hàng phục vụ vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.
Tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, các đơn vị lữ hành tổ chức tour đã đặt vé tham cho hơn 2.000 người.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cà Mau đánh giá, lượng khách du lịch đến Cà Mau tăng là do kỳ nghỉ Giỗ Tổ năm nay kéo dài. Bên cạnh đó, ngành chức năng Cà Mau đã tổ chức những sự kiện dịp này nhằm kích cầu du lịch.
“Trong đó, sự kiện Ngày hội bánh dân gian Nam bộ - một trong những hoạt động nằm trong Chuỗi sự kiện Cà Mau điểm đến 2022 đã thu hút đông đảo du khách”, ông Hùng cho hay.
Biểu tượng cột cờ Hà Nội bên trong Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Ông Trần Hiếu Hùng nhận định, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lượng khách du lịch tìm về với tỉnh Cà Mau có thể nhiều hơn dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Sở dĩ đưa ra nhận đinh như vậy là bởi vì, kỳ nghỉ lễ này kéo dài hơn. Tiếp đến là cơ quan chức năng địa phương cũng tổ chức sự kiện “Hương rừng U Minh” gồm nhiều hoạt động độc đáo để thu hút du khách như: Công nhận Kỷ lục tổ ong lớn nhất Việt Nam; giải đi bộ, đua xe đạp xuyên rừng; đua xuồng ba lá,...
“Định hướng của ngành du lịch Cà Mau là điểm đến du lịch xanh, tức là phải an toàn, thân thiện môi trường, hiếu khách và cả đa dạng hóa sản phẩm xanh”, ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận