Đóng vai trò giảm tải áp lực giao thông cho trung tâm và kết nối các khu vực lân cận với nội đô, nhưng sau 1 thập kỷ quy hoạch, TP.HCM chỉ có 1 trong số 4 tuyến vành đai gần hoàn thành, một số đoạn còn dở dang.
Sự thiếu liền mạch của hệ thống đường vành đai khiến luồng giao thông liên tỉnh bị tắc nghẽn nhiều năm qua và gây áp lực lên hệ thống đường sá nội đô TP.HCM. Cho đến nay, ngoài Vành đai 3 đang ở giai đoạn đầu thi công, Vành đai 2 vẫn còn vướng thủ tục hợp đồng, thì Vành đai 4 chưa chốt phương án thực hiện.
Vành đai 2 đứt mạch nhiều năm
Vành đai 2 được quy hoạch 16 năm trước (2007), dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Tuyến đường bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường bao quanh TP.HCM.
Tuy nhiên đến nay, toàn tuyến chỉ có 50km được hoàn thành, 14km còn lại vẫn là những đoạn cỏ mọc um tùm, máy móc trơ trọi với nắng mưa.
Trong 4 đoạn dang dở, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km được triển khai từ năm 2017. Kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Song, dự án tạm dừng từ năm 2020 khi đạt 44% khối lượng vì vướng mặt bằng và thủ tục điều chỉnh dự án.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư), chi phí xây dựng công trình hơn 1.100 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng được nhà đầu tư huy động để ứng cho địa phương triển khai hơn 1.400 tỷ đồng.
Do chưa thực hiện xong công tác điều chỉnh dự án, việc điều chỉnh hợp đồng BT cũng chưa hoàn thành. Điều này làm cho nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Giá trị giải ngân tính đến nay đã đạt 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Tương ứng với giá trị đó, giá trị lãi vay TP phải chịu đến nay ước tính hơn 813 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng chậm trễ, lãi phát sinh gần 15 tỷ đồng.
Do đó, nhà đầu tư kiến nghị TP sớm hoàn thành thủ tục điều chỉnh để giao đất thanh toán giá trị hợp đồng BT, giảm lãng phí cho ngân sách thành phố.
Hiện nay, doanh nghiệp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trả gốc và lãi suất hàng kỳ với ngân hàng (kỳ đầu tiên tháng 2-2020) theo phương án vay vốn ban đầu và tiếp tục phải trả lãi, gốc đến thời điểm hiện tại và tiếp sau.
Nếu được tháo gỡ, nhà đầu tư dự kiến mất 18 tháng để hoàn thành đoạn 3 này.
3 đoạn khác chưa triển khai là: Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, dài 3,5km có tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng) từ ngân sách thành phố.
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM cuối năm 2023, dự án được thông qua quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến khởi công trong quý II/2025, thi công và hoàn thành trong quý IV/2026.
Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8km, tổng vốn 4.543 tỷ đồng). Đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,3km, tổng mức đầu tư 16.417 tỷ đồng) hiện UBND TP.HCM chưa cân đối được vốn.
Vành đai 3 "trằn trọc" chờ cát đắp
Sau 7 tháng khởi công (từ 18/6/2023), toàn tuyến Vành đai 3 qua TP.HCM đạt 10% tổng sản lượng. Những ngày đầu năm 2024, hoạt động thi công tại các công trường qua Vành đai 3 (4 gói thầu) TP.HCM vẫn nhộn nhịp. 6 gói thầu xây lắp còn lại sẽ được triển khai từ tháng 2 năm nay. Thành phố hiện có hơn 97% mặt bằng dự án.
Tuy vậy, một số đoạn hiện mới tập kết nhân sự, thiết bị, vật tư để thi công công trình phụ trợ, đường công vụ, cọc khoan nhồi, bệ trụ… Thiếu cát đắp nền khiến một số đoạn đã đào bóc hữu cơ nhưng chưa thể tiếp tục thi công.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng công trường thi công cầu Cây Xanh (thuộc gói thầu XL6, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 6km. Các mỏ cát cung cấp cho dự án chủ yếu từ các tỉnh miền Tây chuyển lên. Tuy nhiên, số lượng ít ỏi hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Vành đai 3 TP.HCM là một trong 5 dự án trọng điểm được TP.HCM ưu tiên thúc đẩy tiến độ thi công. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư, Ban Giao thông) cho biết, TP đang đồng thời giải quyết cơ bản phần cát san lấp cho 10 gói thầu này.
Theo ông Lương Minh Phúc, nhu cầu vật liệu cho toàn tuyến Vành đai 3 ước tính gần 10 triệu m3. Trong đó, nguồn đất và cát phục vụ công tác san lấp khoảng 7 triệu m3; cát và đá xây dựng hơn 5,2 triệu m3.
Các đơn vị liên quan đã khảo sát và thống kê trong vùng có 120 mỏ vật liệu đang khai thác thuộc 8 địa phương, trong đó có ba tỉnh mà vành đai đi qua gồm: Bình Dương, Đồng Nai và Long An, còn lại chủ yếu ở miền Tây. Tổng trữ lượng tại 120 mỏ vật liệu này ước tính hơn 503 triệu m3.
"Tuy nhiên, nguồn này sẽ bị phân tán qua nhiều công trình lớn khác đang triển khai ở khu vực, dễ dẫn đến Vành đai 3 gặp tình trạng khan hiếm vật liệu", ông Phúc cho biết.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, nguồn cát hiện không thiếu, nhưng về chất lượng cát vẫn cần rà soát thêm để đảm bảo mục tiêu. Năm 2024, dự án cần 5,6 triệu m3 cát đắp trên tổng 9,2 triệu m3 cát toàn tuyến.
"Sắp tới đây, TP.HCM trong vai trò là cơ quan điều phối của dự án, sẽ cùng với Ban quản lý dự án các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An sắp xếp làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về việc hỗ trợ nguồn cát", ông Cường nói và cho rằng vấn đề nguồn cát sẽ quyết định lớn đến thành bại của dự án.
Vành đai 4 còn đang bàn
Vành đai 4 TP.HCM được quy hoạch từ năm 2011, dài hơn 200km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Giai đoạn đầu, tuyến đường được giải phóng mặt bằng một lần với quy mô hoàn chỉnh và xây trước 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 105.000 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án được Chính phủ giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, phần qua Long An dài hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km, TP.HCM khoảng 17,3km.
Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, dễ huy động vốn, TP.HCM đề xuất thực hiện tách phần lõi (đường chính toàn tuyến) kêu gọi đầu tư, phần giải phóng mặt bằng và đường song hành qua các địa phương tự thực hiện.
Đến nay, chính quyền các địa phương mới hoàn thành sơ bộ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bên cạnh đó, vai trò điều phối dự án sẽ do đơn vị, địa phương nào chủ trì cũng chưa được chốt lại.
Mới đây, UBND TP.HCM có cuộc họp với 4 địa phương liên quan và đoàn công tác bộ, ngành bàn về phương án thực hiện dự án. Buổi làm việc cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là việc đảm bảo tính đồng bộ dự án. Điều này nhằm thu hút nhà đầu tư, cũng như dễ huy động vốn, tránh để dự án qua tỉnh này hoàn thành, đến tỉnh khác đứt đoạn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã đề xuất nên gộp phần chính cao tốc Vành đai 4 TP.HCM thành 1 đến 2 dự án lớn, đầu tư theo phương thức PPP, thay vì chia theo địa phận 5 tỉnh, thành như hiện nay.
"Nếu tách làm các dự án thành phần theo từng địa phương sẽ khó đồng bộ trong quá trình thực hiện. Cách này dễ kêu gọi đầu tư, thuận lợi cho vận hành, cũng như việc thu phí hoàn vốn khi dự án hoàn thành", theo lãnh đạo TP.HCM.
Sau nhiều nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vướng mắc của Vành đai 3 đã được tháo gỡ dù chậm trễ hơn một thập kỷ. Từ khởi đầu của Vành đai 3, Vành đai 2 và Vành đai 4 được kỳ vọng sớm có sự chuyển dịch, khép kín để hệ thống giao thông này được phát huy đúng vai trò của nó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận