Phố thành sông sau trận mưa lớn
Thông tin về tình hình trận mưa lớn hơn 3 giờ tối qua (12/5), trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Việt Hương - Phó giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội (đơn vị chủ lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước của Thủ đô) cho biết, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, trong chiều tối 12/5 trên địa bàn thành phố đã có mưa rào trên diện rộng với lượng mưa trung bình từ 70-100mm, thậm chí cục bộ tại một số quận, huyện có lượng mưa lớn hơn như Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì…
Cụ thể, theo bà Hương, đến thời điểm 22h đêm qua lượng mưa đo được tại một số khu vực tại Hà Nội, gồm: Hoàn Kiếm 86mm, Ba Đình 102mm, Đống Đa 96mm, Thanh Xuân 85mm, Hoàng Mai 90mm, Cầu Giấy 63mm, Tây Hồ 53mm, Nam Từ Liêm 99mm, Long Biên 77mm, Hai Bà Trưng 127mm, Hà Đông 132mm, Thanh Trì 120mm…
Lượng mưa trên đã khiến tình trạng ngập úng xuất hiện trên một số tuyến phố, gồm: Trần Bình, ngã ba Mỹ Đình - Thiên Hiền, đường Hoàng Mai, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Hà Huy Tập, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Phùng Khoang, Quang Trung (Hà Đông), Quyết Thắng…
"Đến thời điểm 22h, các điểm úng ngập cơ bản đã rút hết nước, nhưng vẫn còn một số vị trí ứ đọng cục bộ như: đường Hoàng Mai, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Hà Huy Tập, Đại lộ Thăng Long, Tố Hữu…", bà Hương thông tin.
Theo "kịch bản mưa" 2024, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, mùa hè này nếu với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h, nội thành Hà Nội sẽ không xảy ra úng ngập. Lượng mưa từ 50 - 70mm/h sẽ có 11 điểm úng ngập. Với những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 30 điểm ngập úng khi có mưa lớn ở khắp các quận, huyện.
Cụ thể, 11 điểm úng ngập cục bộ dự kiến với các trận mưa có cường độ từ 50mm/h đến 70mm/h gồm các tuyến phố: Nguyễn Khuyến (đoạn trước cổng trường THCS Lý Thường Kiệt); Hoa Bằng (đoạn từ số nhà 91 đến số nhà 97 và số nhà 54 đến 56); Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn nhà Hỏa, Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị); Thụy Khuê (dốc La Pho); Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 Nguyễn Chính đến cống hóa mương Tân Mai); Đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656, nút giao An Khánh); Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến XN Môi trường đô thị Gia Lâm); Hoàng Như Tiếp (đoạn từ Trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Đối với 19 điểm ngập úng khi mưa lớn từ 100mm/h trở lên gây quá tải hệ thống thoát nước bao gồm: Phố Tông Đản (đoạn cổng phụ Thành ủy Hà Nội), phố Đinh Tiên Hoàng (đoạn đài phun nước, bến xe điện, số 155 Phùng Hưng đều thuộc quận Hoàn Kiếm; ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng và từ số nhà 235 - 255 Cầu Giấy; tuyến phố Mạc Thị Bưởi quận Hoàng Mai; Quan Nhân; Cự Lộc; Nguyễn Trãi (khu vực Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); Đường Nguyễn Xiển thuộc quận Thanh Xuân.
Tại quận Cầu Giấy gồm các điểm: Phan Văn Trường; Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng (sau tòa nhà Keangnam); phố Trần Bình (đoạn trước cửa UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 19/8); Phố Kẻ Vẽ (đoạn ngã 3 chợ vẽ), Ecohome 3, KĐT Resco quận Bắc Từ Liêm và đường Đỗ Đức Dục quận Nam Từ Liêm.
Cùng các tuyến phố đường Cổ Linh - Đàm Quang Trung (đoạn nút giao thông Cổ Linh - Đàm Quang Trung, trước và đối diện siêu thị Aeon Mall) quận Long Biên và Đường Quốc lộ 3 (Đoạn qua xã Mai Lâm), đường 23B (đoạn qua Thôn Cổ Điển) thuộc huyện Đông Anh.
Nguyên nhân gây ngập sâu được Công ty Thoát nước chỉ ra do cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước dồn về, gây ra úng ngập cục bộ. Mặt khác, do hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch nên việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.
"Công tác quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô đang được thực hiện theo hình thức đấu thầu. Hệ thống thoát nước được chia thành nhiều gói thầu, nhiều chủ đầu tư, nhiều đơn vị thoát nước cùng thực hiện đan xen khiến việc vận hành của hệ thống không bảo đảm tính đồng bộ, liên tục, xuyên suốt. Nhiều dự án đã hoàn thành thi công nhưng chưa được thanh thải, bàn giao, tiếp nhận đưa vào quản lý khai thác sử dụng nên chưa phát huy hiệu quả", đại diện Công ty Thoát nước nêu về vướng mắc chính, ảnh hưởng đến công tác thoát nước hiện nay.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước tại các khu vực phố cổ, phố cũ có từ những năm 1954. Đến nay, sau hơn 50 năm vận hành, đã có dấu hiệu xuống cấp, sụt lún gây mất an toàn. Các hồ điều hòa trong khu đô thị do các chủ đầu tư khác quản lý vận hành chưa liên kết với hệ thống thoát nước của khu vực nên chưa thể hiện được vai trò điều tiết chung. Các công trình hạ tầng kỹ thuật như trạm bơm đầu mối, các hồ trong khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cũng tạo áp lực cho hệ thống thoát nước hiện có.
Sống tại một trong những "điểm đen" thường xuyên xảy ra úng ngập khi mưa lớn, bà Phạm Thị Thắm (Triều Khúc, Thanh Xuân) chia sẻ: "Từ vài năm nay mỗi khi trời mưa lớn, gia đình tôi lại sống chung với úng ngập. Có ngày ngập đến 2 lần, nước tràn vào nhà, sâu đến 20 - 30cm. Khổ nhất là sau khi nước rút lại phải bơm hút, thau rửa bể nước ngầm...".
Chị Đỗ Huệ Chi (chung cư Gemek Tower, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) kể, tình trạng úng ngập tại Đại lộ Thăng Long và các khu đô thị: Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Lê Trọng Tấn - Geleximco thường xuyên xảy ra khi có mưa lớn kéo dài. Tại các khu biệt thự liền kề, nước ngập sâu, cư dân phải đi thuyền để vào nhà.
Sau mưa, nước rút cũng rất chậm; có đợt kéo dài 2-3 ngày nước mới rút hết. Tương tự, tại Khu đô thị RESCO, EcoHome3 (quận Bắc Từ Liêm), các trận mưa lớn trong thời gian vừa qua cũng khiến cả khu vực trở thành "biển nước". Một cư dân sống tại tòa nhà OCT5B, Khu đô thị RESCO cho biết, khi mưa lớn, người dân không thể đi xe về nhà vì xung quanh đều ngập nước.
Xây dựng bản đồ ngập lụt công bố rộng rãi cho người dân
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường sẽ xảy ra khi mùa mưa đến gần, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết đã chủ động đầu tư xây dựng "Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước" với các trang thiết bị, công nghệ hiện đại như bản đồ số quản lý các điểm úng ngập nhằm dự báo, cảnh báo các tình huống có thể xảy ra trước khi mưa và điều hành, điều tiết hệ thống thoát nước thành phố.
Hàng ngàn trang thiết bị máy móc và các phương tiện cơ giới chuyên ngành hiện đại, cùng đội ngũ hơn 2.000 cán bộ công nhân viên có trình độ, lành nghề luôn sẵn sàng thực hiện phương án ứng trực tại các điểm úng ngập tồn tại nhiều năm và các điểm đọng nước khi mưa lớn, xử lý trong thời gian nhanh nhất, giảm thiểu thời gian và mức độ úng ngập.
Theo thông tin của Báo Giao thông, UBND TP Hà Nội cũng vừa đề ra các giải pháp thực hiện bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành thành phố mùa mưa năm 2024.
Trong đó, đáng chú ý là việc Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước) nhằm thiết lập hệ thống quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố đồng nhất trên nền bản đồ số (cơ sở dữ liệu hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước...).
Từ đó, Hà Nội sẽ có hệ thống bản đồ ngập lụt tương ứng với các kịch bản mưa với đầy đủ thông tin vị trí điểm úng ngập, mức độ ngập (chiều dài, chiều rộng, chiều sâu của điểm ngập), hình ảnh điểm ngập…chia sẻ cho các đơn vị (cảnh sát giao thông; thanh tra giao thông…) để có phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông và để người dân có thể lựa chọn phương án tham gia giao thông hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận