Tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, 30 năm qua là cuộc "cách mạng" thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đến nay đã trở thành phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Nếu như trước đây, lực lượng người hiến máu chính là thanh niên, sinh viên thì hiện nay lực lượng người hiến máu được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…
Giai đoạn trước năm 1994, ngành y tế tại nước ta gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyên khoa Huyết học - Truyền máu. Nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng, không có người cho máu dẫn đến công tác an toàn truyền máu không được bảo đảm.
Năm 1994, phong trào hiến máu nhân đạo được phát động nhưng lượng máu còn hạn chế. Tuy nhiên từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm phong trào đã tiếp nhận được hơn một triệu đơn vị máu. Đáng chú ý, lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đạt 99%.
Đồng thời, hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện được hình thành từ Trung ương đến địa phương; thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Nhờ vậy, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến Trung ương.
Đánh giá cao hiệu quả của phong trào hiến máu nhân đạo với công tác điều trị cho bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, các cơ quan, đơn vị; Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp tục tăng cường hơn nữa sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.
Các đơn vị cần tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu; đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, hiến máu thể tích từ 350ml trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu; kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận