Chất lượng sống

30 năm thày tàn tật dạy miễn phí trò nghèo

08/04/2017, 19:35

Hơn 30 năm qua, từ các lớp học miễn phí của thày giáo tật nguyền, nhiều lứa học trò nghèo có thêm nghị lực...

47

Cả người đơ cứng vì viêm dính khớp xương, thày Hưng không thể ngồi mà phải đứng để giảng bài

Hơn 30 năm qua, từ các lớp học miễn phí của thày giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nhiều lứa học trò nghèo có thêm nghị lực, học hành thành tài, trong đó có những người thành giáo viên, chủ doanh nghiệp…

Nhích từng bước đứng lớp

Xế trưa, căn nhà nhỏ của thày Hưng (52 tuổi) nằm sâu trong một đường hẹp tại thôn Tuân Lễ vẫn vang lên tiếng giảng bài. Lớp học rộng chừng 20m2 quá đỗi đơn sơ: Nền nhà tráng xi măng, ở giữa kê chiếc bàn lớn cho đám học trò ngồi xung quanh, trên vách treo tấm bảng. Thày Hưng người cứng đơ, gày guộc, cố gắng nhích từng bước đến giảng bải cho từng trò. Chỉ khớp gối và hai bàn chân hoạt động được, thày di chuyển vẹo vọ, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt khắc khổ.

"Thày Lê Quốc Hưng là tấm gương tiêu biểu của nghị lực vượt khó. Thày đã vượt qua bệnh tật để mang lại kiến thức, niềm vui cho bao thế hệ học sinh của địa phương. Thày Hưng là tấm gương đầy nghị lực đáng để học tập và trân trọng."

Ông Nguyễn Tấn Định
Phó chủ tịchUBND xã Phước Hiệp

Hôm nay giữa tuần nên chỉ có mấy trò học tranh thủ đến đây học bài. Hai ngày cuối tuần, có tới 20 em đến đây học. Những khi học trò đông, thày Hưng lê bước dạy từng em đến gần kiệt sức. Nhưng chẳng lúc nào thày ngưng nghỉ. “Thày dạy dễ hiểu lắm. Bài nào khó, thày hướng dẫn rất kỹ. Chúng em cứ tan trường lại rủ nhau đến đây ôn bài”, cậu học sinh lớp 5 Lê Hoàng Liêm (thôn Tuân Lễ) kể. Từ hồi mẫu giáo, Liêm đã đến lớp học đặc biệt này.

Tranh thủ lúc học sinh làm bài tập, thày Hưng nghiêng người chống gậy ra xem phòng học cạnh đó được một đoàn từ thiện hỗ trợ xây dựng gần xong. “Tụi nhỏ sắp có phòng học mới. Không phải ngồi học chỗ ẩm thấp, nắng gió thốc vào nữa. Tôi tính sẽ bố trí bàn ghế như một lớp học thật sự để các cháu có cảm giác như đang ở trường, học hành đàng hoàng hơn”, thày Hưng ấp ủ.

Dạy chữ, truyền nghị lực

Thấm thoắt đã tròn 30 năm thày giáo Lê Quốc Hưng theo nghiệp gõ đầu trẻ, đồng thời truyền nghị lực cho các em vươn lên sống vui, có ích. Sinh ra tại TP Quy Nhơn, từ nhỏ thày Hưng có tiếng là con ngoan, trò giỏi. Nhưng cuối năm lớp 12, cơn bệnh viêm khớp dính xương đã đập tan ước mơ thi vào trường ĐH Y dược Huế của cậu. Đôi chân Hưng bị co rút đau đớn, các khớp xương sưng húp không thể cử động được.

Suốt 5 năm chạy chữa khắp nơi, tài sản của gia đình thày Hưng cũng “đội nón” ra đi, cả nhà phải chuyển về huyện Tuy Phước sinh sống. “Đang đi đứng bình thường giờ nằm một chỗ, tôi thèm đến trường học hành như các bạn. Có lúc tuyệt vọng muốn tìm đến cái chết, nhưng rồi lúc bình tâm, tôi nghĩ mình phải sống có ích hơn vì cuộc sống còn nhiều cảnh đời đau khổ khác”, thày Hưng nhớ lại.

23 tuổi, thày Hưng quyết định mở lớp dạy học miễn phí vì “thôn mình còn nhiều học trò nghèo lắm”. Thày Hưng mượn sách của học sinh trong thôn về tìm hiểu kiến thức. Mới đầu, lớp chỉ lèo tèo vài trò nghèo nhưng rồi các phụ huynh truyền tai nhau, đưa con đến gửi mỗi lúc thêm đông. Cả căn nhà chỉ có một chiếc giường, thày Hưng mua chiếu về trải cho học trò ngồi thay cho bàn học.

Không phụ tấm lòng người thày tàn tật, học sinh đến với lớp nghèo đều học hành khá giỏi, nhiều em còn đỗ vào đại học. Cả thôn nghèo “tròn mắt”, học sinh các vùng lân cận bắt đầu “gõ cửa” xin nhập học. Trò càng đông, mồ hôi thày đổ càng nhiều, song mỗi tháng chỉ nhận được 400 nghìn đồng phụ cấp ít ỏi. Thương thày cực khổ, nhiều phụ huynh xin đóng học phí nhưng thày Hưng chỉ nhận bó rau, con cá mang tính “cây nhà lá vườn”. “Nhìn học trò ngoan hiền, đỗ đạt là vui rồi. Có em học xong cả chục năm nay, về thăm nhà vẫn qua đây thăm và gọi mình bằng thày trìu mến như hồi còn đi học”, thày Hưng cười hạnh phúc.

Cô giáo Lê Thị Thi đang dạy tiểu học tại Gia Lai bùi ngùi kể được thày Hưng kèm học từ lớp 6, rồi thi đỗ đại học ngành Sư phạm. “Không có thày, không rõ mình có ngày hôm nay không. Chính nghị lực, khát vọng của thày đã ươm mầm cho những con chữ trong mỗi học sinh”, cô Thi xúc động nói. Chị Nguyễn Thị Huyền Trinh, hàng xóm của thày Hưng phấn khởi cho hay: “Nhờ thày mà con trai tôi năm nào cũng đạt học sinh giỏi và biết chăm ngoan, lễ phép. Hơn 10 năm, hàng xóm chúng tôi chứng kiến rất nhiều học trò được thày Hưng đào tạo đỗ đại học”...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.