Chương trình "60 phút mở" với chủ đề về từ thiện lại gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. |
Mới đây chương trình "60 phút mở" phát sóng trên kênh VTV1 cuối tuần với chủ đề “Người ta làm từ thiện là vì ai? lại gây ra nhiều sóng gió không kém câu chuyện "đấu tố" MC Phan Anh.
60 phút mở đặt vấn đề bằng câu chuyện nhóm từ thiện Xây trường vùng cao trong dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua đã tổ chức chương trình ở Mường Lạn, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hơn 50 tình nguyện viên của nhóm đã đi một quãng đường đèo núi gần nghìn cây số, mang theo 3.600 chiếc bánh chưng, 3.600 cây giò, 25 tấn quần áo để tặng cho các trẻ em nghèo tại đây nhưng lại bị chính quyền địa phương từ chối tiếp nhận. MC Tạ Bích Loan và các khách mời là nhóm từ thiện, ca sĩ Thái Thùy Linh cùng TS Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng - CECODES) đã bàn luận rôm rả xoay quay câu chuyện, mục đích của việc làm từ thiện.
Anh Hoài Anh, nhóm tình nguyện Xây trường vùng cao phân tích: “Đi làm từ thiện để phát quà cho những đối tượng cần đó, nhưng trong đó chúng tôi cũng muốn thể hiện cái tôi của mình. Chúng tôi muốn làm, muốn mang được phần quà cho mọi người để thỏa mãn lòng yêu thương mọi người”.
Khi ca sĩ Thái Thùy Linh hỏi về việc nên giúp đỡ nhiều hoàn cảnh hơn thay vì một hoàn cảnh thì anh Nguyễn Thành Trung, trưởng nhóm Từ thiện thật phân trần về quan điểm từ thiện của nhóm mình: “Mỗi hoàn cảnh có một ước mơ khác nhau. Chúng tôi muốn đi vào từng hoàn cảnh. Chúng ta không thể hỗ trợ tất cả mà chỉ có thể giúp những người chúng ta thấy trước mắt. Chúng ta không thể đáp ứng hết tất cả”.
Còn đại diện của nhóm từ thiện Hà Nội đủ, chị Chu Thị Hoàng Loan lại đưa ra quan điểm về việc chọn hoàn cảnh từ thiện là “chọn người cho thức ăn dựa vào thu nhập, sau đó là đến sức khỏe, cách phân chia nguồn thu của họ trong tháng đó ra sao”.
Cuộc tranh luận rôm rả nhưng vẫn khiến không ít người khó chịu vì những bóc mẽ có phần quá đáng của nhà báo Tạ Bích Loan. Không chỉ vậy, trong chương trình, TS. Đặng Hoàng Giang cũng gây ra nhiều tranh cãi khi cho rằng, nếu mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo, lâu dần, bản sắc dân tộc vùng cao sẽ bị mất.
Trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn, người nhiều năm qua tham gia chương trình từ thiện Cơm có thịt bày tỏ sự bức xúc trước ý kiến này. Anh Tuấn viết: “Ai nói áo rét làm hỏng tính dân tộc, cho tôi biết cái mẫu áo rét đậm đà bản sắc dân tộc vùng cao đi. Tôi thì chả thấy ngoài cái bếp củi họ có loại quần áo chống rét nào”.
Anh Tuấn cho biết, nhóm của anh cũng cố gắng nhờ thiết kế mẫu áo rét có màu sắc hoa văn vùng cao, nhưng chỉ kịp may thử một ít, còn thì cứ luôn phải tìm mua những gì đang có, ấm, bền mà phải rẻ để kịp mang lên cho những đứa trẻ tím tái vì rét.
“Chúng rét không vì bảo tồn tính dân tộc đâu. Mũi chúng nó viêm quanh năm, tai nhiều đứa viêm chảy mủ. Chân tay chúng nó như cổ trâu. Để bảo vệ tính dân tộc - và cái thân thể dân tộc - chúng nó cần ấm một chút đã. Có những vùng, có những cộng đồng người dân tộc không mặc lại quần áo cũ. Có những nơi trẻ em luôn mặc bộ đồ dân tộc. Cần biết để mang đồ quần áo lên ủng hộ đúng chỗ”, anh chia sẻ.
Không chỉ vậy, anh Tuấncòn thẳng thắn mạo muội đề xuất vị tiến sỹ đi với nhóm anh một lần, để dọc đường sẽ luận bàn về bản sắc dân tộc với số lý thuyết lập luận có kém cũng không kém tiến sỹ nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận