Xã hội

"63 tỉnh thành, anh nào lo thân anh ấy thì nguồn lực bị phân tán"

30/10/2021, 08:27

Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng, liên kết vùng thì cần nghiên cứu sâu hơn bằng những giải pháp cụ thể.

Không phối hợp tốt sẽ gây lãng phí

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), cơ bản đồng tình với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ trình trước Quốc hội.

Đại biểu Lâm cho rằng, trước diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước, đòi hỏi ta phải điều chỉnh, phân bổ lại nguồn lực, tái cơ cấu nền lại nền kinh tế, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhắc tới quy hoạch vùng, ông Trần Văn Lâm cho rằng, trong các nhiệm kỳ vừa rồi quy hoạch vùng chúng ta gần như bị lãng quên, không chỉ là đất đai mà tất cả các yếu tố bị lãng quên.

Đại biểu Lâm dẫn chứng: "Sông Cầu trước đây đã hình thành cơ chế điều phối, nhưng hầu như hoạt động không hiệu quả. Dân mấy năm gần đây kêu ô nhiễm, cá chết càng nhiều hơn. Tỉnh nào lo phát triển kinh tế tỉnh đó, còn dòng sông chết thì mặc kệ".

Nói về các nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên, ông Lâm cho biết, chúng ta thiếu cơ chế, hoặc là có cơ chế nhưng cơ chế không đủ mạnh và thiếu bộ máy vận hành cơ chế đó.

"Tôi nghĩ rằng, trong kế hoạch tái cơ cấu lần này đã xác định nâng cao chất lượng quy hoạch vùng, liên kết vùng thì cần nghiên cứu sâu hơn bằng những giải pháp cụ thể hơn. Có như vậy thì mới phát huy được hiệu quả. Chứ không 63 tỉnh thành, anh nào lo thân anh ấy thì nguồn lực bị phân tán, không có sự phối hợp, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí", ông Lâm cho hay.

Huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng

Vấn đề tiếp theo được đại biểu Trần Văn Lâm quan tâm, chia sẻ là phát triển hạ tầng. Đại biểu này cho biết, trong kế hoạch tái cơ cấu đã xác định hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược và đầu tư công cũng xác định trong 3 trọng tâm tái cơ cấu.

"Cả hai vấn đề này chúng ta đều làm chưa được như mong muốn trong thời gian qua. Đầu tư công có khá hơn, khi điều chỉnh cho đầu tư tập trung hơn. Nhưng bao nhiêu vấn đề đầu tư công vẫn tồn tại, từ hiệu quả dự án cho đến hệ số ICOR", ông Lâm nói.

Theo đại biểu Lâm, trong kế hoạch của chúng ta xác định, để phát triển hạ tầng thì yếu tố quan trọng là đầu tư PPP.

"Theo tôi, PPP mới là cái có tính chất đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư, thúc đầy phát triển hạ tầng. Nhưng vừa qua, thực tiễn cho thấy, khi Luật PPP ra đời thì chưa phát huy được hiệu quả, các dự án PPP còn đình trệ", ông Lâm nói.

Từ những phân tích trên, ông Lâm cho rằng, trọng tâm của tái cơ cấu tới đây là hướng tới làm sao để thúc đẩy PPP. Để đầu tư công chỉ mang tính chất dẫn dắt, khơi các nguồn lực đầu tư tư, huy động các nguồn lực của xã hội vào cho đầu tư kinh tế xã hội nói chung và hạ tầng nói riêng.

Ông Lâm đề xuất, có thể huy động nguồn lực trong dân trong việc phát triển hạ tầng.

"Chẳng hạn như công trình đường sắt tốc độ cao mà cho phép doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp với tỷ suất hợp lý. Dự án trọng điểm quốc gia, có vốn góp nhà nước thì coi như bảo lãnh của nhà nước, người dân chắc chắn sẽ an tâm", ông Lâm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.