Xã hội

"Bất kỳ người kê khai tài sản nào cũng có thể nằm trong diện xác minh"

07/01/2021, 18:37

Nghị định số 130/2020/NĐ-CP được đánh giá sẽ tạo ra những đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng.

img

Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ

Theo ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, với hàng loạt quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP được đánh giá sẽ tạo ra những đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bổ sung nhiều đối tượng kê khai tài sản, thu nhập

Nghị định 130 bổ sung thêm những đối tượng nào phải kê khai tài sản, thu nhập, thưa ông?

Nghị định 130 mở rộng đối tượng kê khai tài sản hơn trước, gồm tất cả cán bộ, công chức kể cả mới tuyển dụng; riêng viên chức thì từ phó phòng, sỹ quan quân đội, công an, quân nhân quốc phòng và những người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Những đối tượng này kê khai lần đầu và chỉ kê khai bổ sung khi tài sản tăng thêm 300 triệu đồng.

Còn những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm gồm 16 nhóm đối tượng: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán; Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; Những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong 105 ngành lĩnh vực.

105 vị trí công việc mà phó trưởng phòng và tương đương trở lên phải kê khai tài sản hàng năm đều là ở lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: tổ chức cán bộ, quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính công, những người giải quyết trực tiếp việc của công dân...

Đối tượng kê khai như vậy là rất rộng. Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân này?

Luật quy định có đến 8 loại cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập…

Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài thanh tra, một số cơ quan khác cũng có trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập như TAND, Viện KSND, Kiểm toán nhà nước, kể cả các tổ chức chính trị xã hội sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc quyền quản lý của họ.

Đảng cũng giao trách nhiệm cho một cơ quan để kiểm soát tài sản, thu nhập, có thể là Ủy ban kiểm tra Trung ương hoặc Ban tổ chức Trung ương. Với người có nghĩa vụ kê khai giữ chức vụ cả trong cơ quan nhà nước, cơ quan đảng hay tổ chức chính trị xã hội thì sắp tới sẽ có quy chế phối hợp giữa các cơ quan để phân định trách nhiệm khoa học, hợp lý.

Xác minh thường xuyên, kiểm tra ngẫu nhiên

Để đảm bảo việc kê khai tài sản, thu nhập phải trung thực, chính xác, thì các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát sẽ làm gì, thưa ông?

Những cơ quan kiểm soát có quyền yêu cầu các cơ quan quản lý tài sản cung cấp thông tin khi thấy có gì đó nghi ngờ, như yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về chủ tài khoản… Cơ quan kiểm soát cũng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản như yêu cầu phong tỏa tài khoản, yêu cầu không sang tên nhà đất…

Ngoài việc xác minh khi có dấu hiệu không trung thực, có tố cáo, có yêu cầu cơ quan cấp trên... thì các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có một giải pháp kiểu tra ngẫu nhiên, tức bất cứ người nào cũng có thể bị xác minh, không vì lý do gì cả. Bất kỳ người kê khai tài sản nào cũng có thể nằm trong diện xác minh.

Nếu xác minh cho kết quả người kê khai tài sản không trung thực, thì sẽ xử lý thế nào?

Nếu người kê khai bị kết luận là không trung thực thì theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và nghị định mới, họ có thể bị cảnh cáo chứ không còn khiển trách như trước.

Từ đó, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; nếu đang được quy hoạch thì bị bỏ ra khỏi quy hoạch, đang ứng cử thì bị gạch tên khỏi danh sách ứng cử, đang được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm... Đó là những hình thức xử lý rất nghiêm khắc.

Nghị định cũng quy định nếu người kê khai bị kết luận không trung thực mà chủ động từ chức thì sẽ không bị kỷ luật. Đây không phải là xí xóa mà thể hiện tính nhân văn và coi trọng hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nhất thiết chỉ nhằm trừng phạt. Đối với người đang làm lãnh đạo mà phải từ chức là một việc rất nặng nề.

Quy định mới có phát hiện được cán bộ, công chức, viên chức để người nhà, người thân đứng tên hộ tài sản không, thưa ông?

Hiện nay, việc kê khai tài sản vẫn còn hạn chế là chỉ kiểm soát được tài sản cán bộ, công chức, dễ dẫn đến tình trạng tài sản đứng tên người khác. Nhiều ý kiến cũng rất muốn mở rộng đối tượng, kiểm soát cả tài sản của vợ, chồng, con, cha mẹ, họ hàng. Nhưng về mặt pháp lý, quyền tài sản là quyền con người, quyền công dân mà những người đủ tuổi thành niên có quyền và tự chịu trách nhiệm.

Thêm nữa, quy định như vậy cũng nằm ngoài khả năng của người kê khai. Chẳng hạn, người kê khai có con đã lập gia đình riêng, làm ăn ở xa, thậm chí là nước ngoài, họ cũng không có khả năng buộc con mình cho biết tài sản, thu nhập để kê khai theo quy định.

Tuy nhiên, nếu tài sản mang tên người khác nhưng có mối quan hệ liên quan thì cũng bị xử lý. Chẳng hạn, biệt thự tuy mang tên ông bố nhưng cơ quan chức năng chứng minh được có nguồn gốc từ tiền của người con thì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được.

Xin cảm ơn ông!

Theo Điều 11 Nghị định 130, bản kê khai của người giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan Trung ương được niêm yết tại trụ sở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo từ cấp cục, vụ và tương đương trở lên.

Bản kê khai của người giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống được niêm yết tại đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm lãnh đạo cấp phòng trở lên trong đơn vị, hoặc tại cuộc họp toàn thể đơn vị.

Bản kê khai của những người khác được niêm yết tại phòng, ban, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể công chức, viên chức thuộc phòng, ban, đơn vị.

Tương tự, Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND các cấp được niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp đó.

Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc sở, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện được niêm yết tại trụ sở cơ quan hoặc công khai tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày, vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.