Xã hội

"Biệt thự ông Nghiên” ra sao sau 3 năm Hà Nội thu hồi?

14/07/2017, 15:17

Sau hơn 3 năm bị đòi lại, ngôi biệt thự của ông Nghiên vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí.

22

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trước đây do cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên ở giờ để không, xuống cấp

Sau nhiều năm về hưu, trước sức ép quá lớn của dư luận, cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên mới chịu trả lại biệt thự công vụ 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thế nhưng hơn 3 năm qua, ngôi biệt thự này lại bị bỏ hoang gây lãng phí hơn.

Trả nhà công vụ trước sức ép dư luận

Trước thời điểm tháng 12/2014, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm là nơi sinh sống của gia đình con trai ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bản thân ông Nghiên đang sống ở nơi khác (ông Nghiên làm Chủ tịch Hà Nội từ năm 1994 - 2004).

Theo tìm hiểu của PV, ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích hơn 400m2, là 1 trong 30 biệt thự thuộc diện phải thu hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước theo chủ trương của thành phố, để cho người nước ngoài thuê, tăng nguồn thu. Thực hiện chủ trương đó, thành phố đã phải bồi thường cho hơn 10 hộ dân di dời, mỗi hộ 50-60m2 đất để giải phóng mặt bằng. Sau khi thu hồi, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được Sở Nhà đất sửa sang lại, cho một người Nhật Bản thuê với giá 5.000 USD/tháng. Khi hợp đồng hết hạn, ngôi biệt thự được cho một cơ quan của thành phố mượn tạm. Đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên trả lại căn hộ ở Khu tập thể Bách Khoa (cũng là nhà thuê) chuyển về biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuê ở, với giá thuê khi đó khoảng 500 nghìn đồng/tháng.

Sau đó, khi đã thôi chức Chủ tịch UBND TP, ông Nghiên có đơn xin hóa giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình. Tuy nhiên, sau đó, việc hóa giá không thành, do báo chí thông tin, khẳng định căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá. Đến năm 2006, UBND TP đã có Thông báo 225 với nội dung không bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61, đồng thời giao Sở Tài nguyên & Môi trường bố trí nơi ở mới thay thế cho ông Nghiên. Tuy nhiên, điều lạ lùng là trong suốt 8 năm (tính đến thời điểm năm 2012), việc thu hồi vẫn chỉ nằm trên giấy. Lý do vì Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội không thể tìm được căn nhà nào thích hợp cho ông Nghiên, dẫn đến việc ông Nghiên không trả nhà.

Xung quanh việc ông Nghiên suốt 8 năm không chịu trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, đầu tháng 12/2014, Báo Giao thông đã vào cuộc điều tra và phát hiện bản thân ông Nghiên đang sinh sống tại một biệt thự sang trọng tại Khu đô thị Ciputra, còn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa ông để cho gia đình con trai ở. Thời điểm đó, một bảo vệ tại Khu đô thị Ciputra xác nhận, gia đình ông Nghiên đã chuyển về sống tại đó được 4 năm.

Trước những sức ép từ dư luận, ngày 5/12, ông Nghiên đã có đơn gửi Sở Xây dựng Hà Nội xin trả lại căn biệt thự này. Đến ngày 9/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Vũ Hồng Khanh có văn bản gửi Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và ông Hoàng Văn Nghiên với nội dung thanh lý hợp đồng thuê nhà 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa và giải quyết chính sách nhà đất đối với ông Nghiên.

23

Mặt trước biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa

Bỏ hoang, lãng phí

Giữa tháng 7/2017, có mặt tại căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, PV Báo Giao thông ghi nhận, căn biệt thự bị bỏ hoang, cửa khóa im lìm, dây xích sắt khóa cổng cũng đã gỉ sét, cỏ dây leo từ bậc thềm đến cửa ra vào. Trao đổi với PV, một người dân sống ở nhà đối diện địa chỉ 12 Nguyễn Chế Nghĩa nói: “Nhà do con trai ông Nghiên trả cũng được mấy năm rồi, nhưng cứ để hoang thế này rất lãng phí, thành phố thu hồi hay phân cho ai đến ở thì cần rõ ràng để tránh tình trạng để hoang như hiện nay. Nếu cho thuê 3 năm qua thì thành phố cũng đã thu được số tiền không hề nhỏ, trước kia 5.000 USD/tháng, giờ còn cao hơn thế nhiều”.

Còn theo theo bà Nguyễn Thị Đích, Tổ trưởng Tổ dân phố số 18, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, ngay tại một số cuộc họp, bà cũng có ý kiến với thành phố, nếu thu hồi thì bố trí cho ai đó ở để họ quản lý, sử dụng không nên để hoang phí như hiện nay. “Mới đây, thành phố đã cho người đến dọn dẹp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đằng nào cũng thu hồi rồi, nếu thành phố phân cho ai quản lý, sử dụng thì làm sao cho đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, còn để như hiện nay thì quá lãng phí”, bà Đích nói.

Chiều 13/7 trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, đối với những biệt thự công vụ kiểu như biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, nếu cho thuê thì thời gian khoảng từ 2-5 năm, khi cần lấy lại thì phải áp dụng theo quy định của Chỉ thị 09 của Thành ủy Hà Nội, quy định đối với một số nhà do Nhà nước quản lý.

“Thực tế, tại Hà Nội có những nhà thành phố đã thu hồi, hiện nay rất muốn cho thuê nhưng vướng nhiều thủ tục, không cho thuê được mà phải chuyển nhượng cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng tiếp. “Hơn nữa, mục đích đặt ra đây là nhà công vụ không phải nhà cho thuê, nhà đấy không phải nhà thuộc kinh doanh mà cho thuê. Trong số nhà công ty đang quản lý không được phép cho thuê”, vị này nói và cho biết, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản công, đến ngày 1/1/2018 mới có hiệu lực, trong đó nói rõ những nhà ở công vụ là tài sản công thì để phục vụ công ích. Vì thế, có thể thành phố quyết định phân cho ai quản lý, sử dụng chứ không được phép kinh doanh.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng nhận xét: “Những việc như vậy, UBND thành phố phải vào cuộc quyết liệt và phải chỉ đạo rõ trách nhiệm của người đòi nhà lại thì phải khai thác thế nào, vì đây là tài sản công. Tất nhiên, có thể là khó, vì ông Nghiên đi rồi thì điều ai đến ở cũng rất khó. Đối với biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa cũng không có gì đặc trưng về kiến trúc, thành phố nên mạnh dạn cho sửa chữa khai thác, cho thuê hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp vào ngân sách, như vậy sẽ đỡ lãng phí hơn rất nhiều so với hiện nay”.

24
Loạt bài điều tra trên Báo Giao thôngvề biệt thự cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên

Liên quan đến Quỹ Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức cách đây chưa lâu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ khi có Chỉ thị số 09 của Thành uỷ và Chỉ thị số 11 của UBND thành phố, tính đến tháng 2/2017, đã bán được 148 căn, với số tiền là 25 tỷ đồng. Theo báo cáo, Quỹ Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước còn lại hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý là 13.815 căn, trong đó 2.913 căn đã có đơn và hồ sơ mua nhà và nhà ở đó thuộc diện được bán; 10.902 căn thuộc diện không đủ điều kiện để thực hiện bán.

Đối với số nhà không đủ điều kiện để thực hiện bán, có 1.592 căn không ký được hợp đồng thuê nhà do người dân không hợp tác với công ty vì họ biết ký hợp đồng là phải trả tiền thuê nhà, phải truy thu tiền thuê nhà còn nợ. Ngoài ra, còn có 156 căn vướng mắc do diện tích nhỏ, hộ khẩu ngoại tỉnh không đủ điều kiện ký hợp đồng; 713 căn vướng do có tranh chấp, khiếu kiện, đòi sở hữu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.