Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi Nghị định 86 cần quản lý có giải pháp quản lý chặt hoạt động của Uber, Grab, đặc biệt là vấn đề thuế - (Ảnh minh họa) |
Uber, Grab tiện dụng nhưng cần được quản lý
Tại buổi tọa đàm Đổi mới quản lý kinh doanh vận tải do Báo Giao thông tổ chức ngày 2/6 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trong chừng mực nào đó, Bộ Tài chính đã thiếu trách nhiệm trong quản lý thu thuế đối với loại hình xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab.
Theo ông Thanh, Uber, Grab đã áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh vận tải, người dân được lợi vì loại hình này thuận tiện, công khai, minh bạch. Chúng ta không nên ngăn cấm mà phải hướng dẫn, tìm cách quản lý loại hình này cho tốt. Nhiều ý kiến cho rằng, nó là kinh tế chia sẻ chứ không phải taxi, nhưng theo tôi Uber, Grab thực chất là taxi, chỉ khác là loại hình này sử dụng hợp đồng điện tử. Thực tế Uber, Grab có thể góp phần hạn chế xe cá nhân, tận dụng phương tiện nhàn rỗi và hình thành một loại hình vận tải mới.
"Hiện số lượng phương tiện hai loại này gấp đôi xe taxi truyền thống. Tôi không bảo vệ taxi truyền thống vì taxi truyền thống cũng có nhiều yếu điểm buộc phải đổi mới. Nhưng quan điểm của họ lúc này cũng cần lưu ý, doanh nghiệp taxi truyền thống nói Uber, Grab trốn thuế lớn, cạnh tranh bất bình đẳng, họ giảm giá nhiều, đưa ra nhiều chiêu khuyến mại giảm giá cước khiến taxi truyền thống không cạnh tranh nổi", ông Thanh lý giải.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội cho rằng, cần quản lý được Uber, Grab. Vào lúc cao điểm, tắc đường chúng ta cho là do nhiều xe cá nhân quá, rồi cấm taxi lưu thông tại một số tuyến đường, trong khi Uber, Grab không bị ảnh hưởng gì. Cần nghiên cứu quy định màu, phù hiệu khống chế việc các xe này lưu thông trên từng địa bàn để đảm bảo việc thông tuyến tốt nhất... |
Phân tích thêm ở khía cạnh này, ông Thanh cho rằng, muốn tạo sự cạnh tranh bình đẳng, phải có giải pháp để quản lý được thuế, doanh thu. Các doanh nghiệp taxi truyền thống hiện chỉ kiến nghị phải áp dụng điều kiện kinh doanh bình đẳng, hạn chế số lượng taxi truyền thống thì phải hạn chế số lượng xe Grab, Uber. Bên cạnh đó, hạn chế xe vào bến thì phải hạn chế cả xe hợp đồng, không phải bên dễ dãi bên khắt khe.
"Bộ Tài chính có văn bản trả lời Hiệp hội chúng tôi về vấn đề thu thuế đối với loại hình này nhưng chúng tôi không đồng tình. Ở chừng mực nào đó, Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm trong việc này", ông Thanh cho biết và kiến nghị: "Chúng tôi mong các cơ quan quản lý nghiên cứu thu gọn lại các loại hình vận tải, các điều kiện kinh doanh rõ ràng mạch lạc, minh bạch hơn, đừng thủ tục phức tạp quá, đồng thời bình đẳng về các tiêu chuẩn, đặc biệt thuế".
Kiến nghị xe chở khách phải lắp thiết bị giám sát, camera
Tồng giám đốc Công ty xe khách Phương Trang Nguyễn Trí Dũng cũng cho rằng cần áp dụng công nghệ mới có thể giải quyết được bản chất vấn đề. Bất kể kinh doanh bằng loại hình gì, các xe vẫn cần lắp định vị GPS, lắp thêm camera để nâng cao khả năng quản lý. Đây là cơ sở để chúng ta tiến tới liên thông giữa bộ GTVT, Bộ Tài chính để quản lý doanh thu, để đảm bảo các chế độ chính sách, nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo nộp đầy đủ, không ai trốn thuế.
Tại tọa đàm, một số nhà báo đặt câu hỏi, số liệu các chuyến xe, thời gian hành trình, số khách trên từng chuyến có phải là thông tin bí mật không thể công bố hay không? Cơ quan quản lý thuế dựa vào đâu để kiểm soát doanh nghiệp nộp đủ thuế khi doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước cũng coi đây là thông tin mật không thể công bố? Điển hình, vừa qua, Chi Cục thuế Quận 5 đề nghị Sở GTVT TP.HCM cung cấp dữ liệu về hoạt động của Công ty TNHH Thành Bưởi để kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp này thì vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, khi quản lý một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, ngoài việc đảm bảo các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh (hạ tầng, phương tiện, chất lượng dịch vụ...) thì còn phải giám sát việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Lâu nay, việc giám sát thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp vận tải còn nhiều bất cập. Bộ GTVT đang tính tới việc phối hợp với Bộ Tài chính, sử dụng công nghệ để quản lý hiệu quả hơn.
"Không chỉ Uber, Grab, xe hợp đồng hay xe chở tuyến cố định đều phải đăng ký kinh doanh. Các cơ quan chức năng không thể tuần tra xử phạt liên tục, nhưng khi phát hiện được vi phạm, phải xử phạt nặng. Nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay. Hiện chúng ta còn đang xử lý chưa thật mạnh tay, chưa đủ tính răn đe", Thứ trưởng nhận định.
Xem thêm Video
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận