Xã hội

"Bức tường xanh" chặn Covid-19 xâm nhập vùng biên

17/05/2021, 13:30

Thật khó có thể kể hết nỗi vất vả của 8 cán bộ, chiến sĩ nơi đây, gạo và thực phẩm anh em cắt cử người hàng tuần xuống núi vác lên.

img

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ siết chặt tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Những ngày qua, tại xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An), các chiến sĩ mang quân hàm xanh vượt mọi khó khăn, ngày đêm căng mình kiểm soát đường biên, ngăn dòng người nhập cảnh trái phép có thể mang theo mầm dịch Covid-19 vào Việt Nam…

Vượt khó, gác lại tình riêng để bám trụ đường biên

Sau gần 1 tiếng rưỡi leo núi dưới trời nắng gay gắt, chúng tôi đã có mặt tại Chốt kiểm soát số 4 (Chốt số 4), Đồn Biên phòng Thông Thụ. Chốt đóng chênh vênh trên sườn núi Nọng Giềng, gồm 2 căn nhà khung sắt, mái lợp bằng tôn lót xốp.

Hơn 2 tháng qua, kể từ ngày đầu lập chốt, thật khó có thể kể hết nỗi vất vả của 8 cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Gạo và thực phẩm anh em cắt cử người hàng tuần xuống núi vác lên.

Đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến anh em thường xuyên phải trực hứng nước mưa từ mái lều bạt. Khoảng cách từ vị trí đóng chốt tuần tra đến những cột mốc biên giới được giao quản lý, nơi gần cũng mất 2 giờ đi xuyên rừng, xa nhất cũng mất 1 buổi.

Dù bố đang phải nhập viện cấp cứu vì nhồi máu cơ tim nhưng Thượng úy Nguyễn Văn Kiện, quê xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn ở lại trực cùng đồng đội.

“Chúng tôi đã trải qua những khó khăn vất vả của nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nay, mặc dù khó khăn còn nhiều nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Kiện chia sẻ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, quê xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương (Nghệ An) thì chia sẻ: “Ít ngày nữa giỗ bố, tôi cũng sẽ vắng mặt vì nhiệm vụ quan trọng này. Ai cũng có gia đình, nhiều đồng chí có việc riêng cần xin về để giải quyết nhưng tất cả vẫn ở lại bám trụ, điều đó càng thôi thúc mình vững vàng hơn”.

Rời Chốt số 4, chúng tôi đến Chốt số 2 nằm trên mỏm đồi nhìn ra dòng sông Chu. Hàng ngày, anh em ở đây có nhiệm vụ dùng ca nô túc trực và tuần tra dọc thượng nguồn giáp biên giới với Lào để nắm bắt thông tin những đối tượng nhập cảnh trái phép.

Mặc dù vợ vừa sinh con, phải nằm viện 1 tuần song Đại úy Phạm Đức Tính, Chốt trưởng Chốt số 2 cũng không về được. “Những khó khăn về cuộc sống riêng tư được anh em động viên chia sẻ. Gia đình ai đó có những khó khăn thì anh em gọi điện thoại cho người thân đồng chí đó để động viên”, anh Tính nói.

Tương tự, Trung úy Thái Văn Dũng, nhà ở thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong), chỉ cách chốt 50km nhưng mới đây, khi đứa con nhỏ mới 7 tháng nhập viện cấp cứu, vợ anh cũng phải một mình xoay xở. “Xác định đây là nhiệm vụ để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân cũng như cộng đồng nên mỗi chiến sĩ xung phong lên chốt đều gác lại việc riêng để hoàn thành công tác”, Trung úy Dũng tâm sự.

Luôn giữ vững thế trận

img

Công tác phòng dịch được kiểm soát chặt chẽ, ngăn nguy cơ các đối tượng nhập cảnh mang theo mầm bệnh vào Việt Nam

Đồn Biên phòng Thông Thụ quản lý gần 34km đường biên, 1 cửa khẩu và với 9 cột mốc biên giới. Để phòng chống dịch Covid-19, tháng 3/2020, Đồn đã thành lập 4 chốt kiểm soát, bố trí cán bộ, chiến sĩ trực chiến 24/24h. Mọi hoạt động, chương trình làm việc hàng ngày, hàng tháng, kế hoạch tuần tra, chiến đấu… của chốt đầy đủ như một đồn biên phòng thu nhỏ.

Địa bàn biên giới Đồn Biên phòng Thông Thụ quản lý giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Nơi đây, có trên 500 người Việt đang sinh sống và làm việc, đặc biệt, tại 2 công trình thủy điện trên sông Nậm Sâm có trên 400 công nhân người Việt. Trước đây, Cửa khẩu Thông Thụ làm công tác xuất nhập cảnh cho cư dân 2 nước trao đổi làm ăn, thăm thân.

Từ đầu năm 2020, cửa khẩu này bị đóng. Gần đây, tình hình dịch Covid-19 ở Lào diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ có nhiều người Việt nhập cảnh trái phép để về nước qua biên giới huyện Quế Phong tăng lên.

Do đó, cán bộ, chiến sĩ ở đây thường xuyên phối hợp với biên phòng nước bạn để nắm thông tin tình hình và vận động những người Việt sinh sống và lao động muốn về nước phải nhập cảnh hợp pháp qua cửa khẩu quốc tế.

Nhờ tin báo của người dân địa phương, các chiến sĩ biên phòng đã bắt giữ nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép. Đơn vị còn tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới không lơ là, chủ quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, vận động nhân dân thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế…

Từ khi thành lập các chốt, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phát hiện trên 30 vụ, bắt giữ 59 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Tất cả các đối tượng trên đều được cách ly sau khi bị bắt giữ. Trong đó, có 1 đối tượng bị tòa xử 2 năm tù về tội đưa người vượt biên trái phép.

Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết, để đảm bảo công tác phòng dịch, đơn vị thực hiện 100% quân số trực sẵn sàng trong mọi tình huống; Trực 24/24h tại các chốt từ 5 - 9 đồng chí.

Vừa rồi, đơn vị được tăng cường thêm 16 đồng chí để bổ sung quân số các chốt. Từ 28/3/2021, đơn vị không giải quyết cho bất kỳ trường hợp nào xin nghỉ phép. Trong đó, có một số chốt bố trí cả chó nghiệp vụ để hỗ trợ công tác tuần tra kiểm soát.

“Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, xảy ra giông lốc. Ngày mưa, việc đi lại trên chốt lại càng khó khăn hơn, vật chất, hậu cần phải mang vác theo đường núi song anh em vẫn xác định yên tâm bám trụ tại các chốt để góp phần ngăn chặn nguy cơ mầm mệnh xâm nhập qua biên giới”, Thượng tá Huy chia sẻ.

Nghệ An có đường biên giới với nước bạn Lào dài gần 470km. Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã lập 33 chốt kiểm soát trên tuyến biên giới, với trên 200 cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm đến nay, đã bắt giữ, xử lý 20 vụ với hơn 100 đối tượng có hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới và khởi tố 9 đối tượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.