Pháp luật

"Cân nhắc việc công khai danh tính người mua dâm"

22/12/2014, 07:25

"Tôi không đồng tình với việc coi mại dâm là một nghề, bởi nó hoàn toàn không phù hợp với điều kiện cụ thể và văn hóa của Việt Nam", Bộ trưởng Lao động, Thương binh&Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (2003-2013) tổ chức cuối tuần qua, đại diện các địa phương nhìn nhận công tác phòng chống mại dâm còn không ít khó khăn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Sau 10 năm Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành và thực hiện, bà đánh giá như thế nào về hiệu quả triển khai trên thực tế?

Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm trong 10 năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... Đặc biệt là một số quy định của Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù họp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.

Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho công tác phòng, chống mại dâm; Nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua năm 2012, các đối tượng mại dâm không bị đưa vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà chỉ bị xử phạt hành chính. Trong thời gian tới, giải pháp của chúng ta là gì để ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng?

Tôi cho rằng, để quản lý các đối tượng mại dâm thì tất cả chính quyền các cấp phải vào cuộc, vì các đối tượng mại dâm cũng đều thuộc các địa bàn, địa phương cụ thể. Giờ đây, thay bằng việc đưa các đối tượng hoạt động mại dâm bị phát hiện vào trung tâm giáo dưỡng, thì chúng ta chỉ xử phạt hành chính và tìm cách đưa họ về để hòa nhập cộng đồng. Tôi nghĩ đây là một vấn đề khó, nhưng quan trọng là chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội khi vào cuộc, phát hiện các đối tượng hoạt động mại dâm thì phải cảm hóa, vận động, hỗ trợ cho họ, nhất là hỗ trợ học nghề, cho vay vốn để người ta có việc làm. Đặc biệt, xã hội phải giảm hẳn mặc cảm đối với họ thì họ mới có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Trước đề xuất công khai danh tính của người mua dâm, quan điểm của bà thế nào?

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng việc công khai danh tính người mua dâm trong quy định hiện hành còn liên quan đến rất nhiều điều luật khác. Tôi thì thấy rằng việc này phải được cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng thì mới quyết định được. Trước mắt, với những người có hành vi mua dâm, khi chúng ta phát hiện cần phải xử lý nghiêm, thậm chí, mức xử phạt đối với các đối tượng mua dâm cần tăng nặng hơn để mang tính răn đe.   

Việc gái mại dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị đưa vào các trung tâm chữa bệnh bắt buộc làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng
Việc gái mại dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị đưa vào các trung tâm chữa bệnh bắt buộc làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng

Trong suốt thời gian qua, đã có những ý kiến đề xuất nên hợp pháp hóa và coi mại dâm là một nghề, bà có đồng tình với ý kiến này?

Tôi không đồng tình với ý kiến coi mại dâm là một nghề bởi nó hoàn toàn không phù hợp với điều kiện cụ thể và văn hóa của Việt Nam. Cho đến nay, tôi nghĩ cấm vẫn là biện pháp tích cực nhất. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng trong thực tế cuộc sống, việc cấm mại dâm vẫn chưa có hiệu quả, bởi trong rất nhiều năm nay, dù có sự vào cuộc gắt gao và chặt chẽ của các bộ ngành liên quan nhưng tệ nạn mại dâm vẫn không giảm mạnh.  

Xuất hiện nhiều hình thức mại dâm mới

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn do đây là hoạt động phức tạp, tinh vi và trá hình, khó kiểm soát. Đáng chú ý, đã xuất hiện những đối tượng và hình thức mại dâm mới như: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook.

Trước quan điểm cho rằng nên coi mại dâm là một nghề để dễ quy hoạch và quản lý, tôi nghĩ, cách nào cũng đều mang tính hai mặt cả. Như một số nước trên thế giới đã và đang coi mại dâm là một nghề, nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng, đằng sau đó còn tồn tại rất nhiều vấn đề tiêu cực. Bởi vậy mà dù có những nước đã đi tiên phong, nhưng vẫn còn rất nhiều nước không chọn giải pháp coi mại dâm là một nghề. Và tôi nghĩ, Việt Nam cũng nên đi theo hướng không coi mại dâm là một nghề.

Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm cá nhân của tôi. Còn đây là một vấn đề hệ trọng, cần phải được đem ra xem xét và bàn bạc rất kỹ lưỡng ở tất cả các cấp thì mới có thể quyết định được.

Bà có cho rằng, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội hơn là các biện pháp mang tính chế tài tư pháp?

Tôi rất đồng tình với ý kiến đó. Đối với tệ nạn mại dâm, chúng ta không nên chỉ dùng đến các biện pháp mang tính chế tài hay hành chính, mà còn phải dùng các biện pháp giáo dục, vận động để tác động vào nhận thức, làm họ thay đổi nhận thức, đó mới là khâu quan trọng. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cần giúp đỡ, cảm hóa những người có lỗi lầm, đồng thời hỗ trợ, cho vay vốn, tạo điều kiện để những người từng có sai lầm đỡ mặc cảm, có việc làm và có thu nhập, nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng.

Cảm ơn Bộ trưởng!

Hoài Thu (Thực hiện)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.