Xã hội

"Cấp trên đốt lửa to, cấp dưới không đốt" làm giảm sút niềm tin

19/01/2018, 10:54

Việc "cấp trên đốt lửa to, cấp dưới không đốt" trong khi tham nhũng diễn ra nghiêm trọng khiến niềm tin giảm sút.

-NY-5314-sRGB

Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017

Ngày 19/1, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Hội nghị này cũng sẽ thảo luận về một nội dung rất “nóng” và chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ.

Đổi mới vượt khuôn khổ, xử lý còn dung túng, lỏng lẻo

Ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang nêu tinh thần phấn khởi và lạc quan ở các địa phương trước tình hình năm 2017, kinh tế cả nước và địa phương đều có bước phát triển tốt đẹp, nhiều chỉ số cao vượt trội.

Theo ông Hải, sau Đại hội Đảng đã tạo sự chuyển động mạnh ở các địa phương,

Đề cập đến vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền, ông Hải cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, ông đề cập đến nguyên nhân về đổi mới.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang cho rằng, chúng ta theo đuổi quan điểm đổi mới nhưng có tư duy đổi mới là phá cách nhiều, cho rằng thế mới là sáng tạo, thế mới là đột phá dẫn đến nhiều cái vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định, vượt ra khỏi cách chúng ta chỉ đạo.

“Việc đó trượt đi trong thời gian dài, nhưng khi chúng ta xử lý lại lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng, tha thứ nên dẫn đến tật xấu tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí cả những công chức bên dưới”, ông Hải nói và cho rằng phải tập trung chấn chỉnh việc này.

Về công khai minh bạch, chúng ta đã nói nhiều, nhưng theo ông Hải, việc thực hiện chưa tốt nên phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Vừa rồi T.Ư làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở T.Ư, còn bên dưới chưa mạnh lắm, các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra. Quy định thế, phân cấp phân quyền thế nhưng rất nhiều trường hợp biết mà vẫn cố ý làm sai”, ông Hải nói.

Ông dẫn chứng giống như việc tham gia giao thông, ai cũng biết đèn đỏ phải dừng lại nhưng có người vẫn cố tình đi. Vì thế, phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý. “Không nghiêm thì không được, không thể cứ hô hào. Đi liền với kiểm tra phải xử lý nghiêm minh, chứ xử lý qua quýt thì lại “đâu đóng đó”, đóng mác an toàn cho việc kiểm tra”, Bí thư Bắc Giang góp ý.

Ông Hải cũng cho rằng nên coi dư luận, báo chí cùng sự phản biện của mặt trận các cấp là một kênh giám sát cán bộ, vì có thể anh giấu được ở chỗ này nhưng không thể giấu được ở chỗ khác. Theo ông, “dù không bắt được quả tang nhưng dư luận nói về anh rất xấu thì cũng phải kiểm tra”.

Nhấn mạnh vấn đề kiểm tra, minh bạch tài sản cán bộ, ông Hải cho rằng không kiểm tra được quá trình thì phải kiểm tra kết quả, phải xác minh nghiêm túc, để cho người ta có tham nhũng, tham ô cũng không thể sử dụng được tài sản đó. Phải có quy chế để không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Làm sao để kiểm soát quyền lực?

Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đánh giá, năm 2017 có lẽ là năm ban hành nhiều văn bản nhất, trong đó có nhiều văn bản quan trọng thức đẩy cả hệ thống chính trị thực hiện.

Cùng với đó, việc xử lý những cá nhân vi phạm của Đảng đã làm hết sức nghiêm túc với trách nhiệm cao, tạo niềm tin ở đội ngũ cơ sở rất lớn.

C9A1CF81-A4BA-4A8F-BE9C-DB616EA59CD8

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Ở địa phương, ông Sơn khẳng định Hà Tĩnh công khai, minh bạch về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, chú trọng vào sự gương mẫu của người đứng đầu, của tổ chức Đảng và người làm công tác tổ chức, tuyệt đối không thiên vị, sử dụng quan hệ người nhà, người thân trong công tác cán bộ.

“Việc quy hoạch cán bộ được Hà Tĩnh triển khai đầy đủ. Quy hoạch 2020-2025 là 745 đồng chí trong quy hoạch thì đã loại 85 đồng chí. Hiện nay có vài ý kiến trái chiều nhưng Hà Tĩnh kiên quyết làm việc này”, ông Sơn nói và thông tin thêm, năm 2017, địa phương này bổ nhiệm 65 cán bộ và không bổ nhiệm thừa bất cứ cấp phó nào ở các đơn vị.

Người đứng đầu Tỉnh uỷ Hà Tĩnh khẳng định đến nay, nhờ dân chủ, công khai, minh bạch, gắn trách nhiệm người đứng đầu nên đã ngăn chặn cơ bản nạn chạy chức chạy quyền.

Góp ý về việc xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát quyền lực, ông Sơn cho rằng phải nhận diện cho rõ là xảy ra “chạy quyền lực” trong công tác tổ chức cán bộ là xảy ra ở cấp nào, ở đâu, cần nhận diện rõ xung quanh điểm yếu, lỗ hổng trong thời gian qua.

Về nguyên nhân, có nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Sơn, nguyên nhân sâu xa nhất là cán bộ của chúng ta đã suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ.

Góp ý về giải pháp, theo Bí thư Hà Tĩnh, trước hết cần xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực, cái này ta đã có nhưng cần xây dựng rõ hơn và có cơ quan giám sát.

Thứ hai, vấn đề quan trọng hơn là người vận hành quy chế, người thực hiện . “Nhiều lần ta nói trên diễn đàn là quy định đúng nhưng sản phẩm đầu ra không đúng, như vậy do con người chứ không phải do quy trình. Vấn đề tổ chức cán bộ thì vai trò vận hành là đặc biệt quan trọng, vì thế mới nói con người cán bộ phải trong sáng, tinh thông”, ông Sơn nói.

Với những biểu hiện tiêu cực ngày càng tinh vi, ông Sơn cho rằng cần dân chủ, công khai và đặc biệt phải minh bạch. Đánh giá cán bộ khó nhưng phải làm sao cho thực chất, cùng với đó, kiểm tra những tổ chức, cá nhân vi phạm, nâng cao trách nhiệm giải trình, trong đó có giải trình của người đứng đầu về công tác cán bộ.

“Cấp trên đốt lửa to, cấp dưới đốt lửa nhỏ”

nguyen-thien-nhan

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từ thực tế của quy trình phòng chống tham nhũng có thể thấy gồm 8 bước: phổ biến học tập pháp luật, nghị quyết của đảng và nhà nước liên quan đến trách nhiệm của cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái, phòng chống tham nhũng; phản ánh của nhân dân, đảng viên, cán bộ về những cán bộ tổ chức có biểu hiện suy thoái; tiếp nhận phản ánh, phân loại và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc đã được nêu; các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý của đảng kiểm tra, xác minh và kết luận, xác định biện pháp xử lý về mặt pháp luật và về đảng; xử lý trách nhiệm trước đảng và nhà nước tại đơn vị tuỳ theo vụ việc; xử lý kỷ luật đảng, trách nhiệm trước pháp luật, chế tài, trách nhiệm của các tổ chức đảng và nhà nước với tập thể, cá nhân vi phạm.

Bước thứ 7 là mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đảng viên… giám sát việc xử lý các chế tài, kết luận. Cuối cùng là tổ chức đảng, chính quyền đánh giá tác dụng kết quả việc xử lý, rút kinh nghiệm, bổ sung chế tài việc quản lý đảng, nhà nước.

Theo Bí thư Nhân, đối chiếu với quy định 8 bước này, từ thực tiễn TP HCM còn có ba khâu hạn chế. Đó là sau bước 1 về học tập về luật pháp, phản ánh của nhân dân, tập hợp phản ánh của nhân dân, thì việc phân loại và đề xuất xử lý còn hạn chế và chưa hợp lý. Chưa có quy định của Đảng và nhà nước xác định trách nhiệm các tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp với nhau như thế nào để tiếp nhận đầy đủ và xử lý kịp thời.

Ý kiến của nhân dân phản ánh có bốn kênh, thực tế có bốn nơi tiếp nhận là tổ chức của Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, HĐND, đại biểu Quốc hội, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Pháp luật hiện đã quy định các cơ quan tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, nhưng việc thực thi các quy định ở bốn cấp này còn khác nhau. Luật pháp chưa quy định trách nhiệm cơ quan đảng và chính quyền các cấp phối hợp với nhau như thế nào để xử lý thông tin phản ánh. Trong khi có 4 kênh phản ánh về tình trạng tham nhũng thì chỉ có hai loại tổ chức có thể xử lý đến cùng các thông tin này là các cơ quan của đảng theo quy định của đảng và các cơ quan nhà nước theo quy định của luật pháp. Hiện nay chưa có quy định trách nhiệm các cơ quan đảng, chính quyền mỗi cấp phối hợp với nhau như thế nào và chuyển các cơ quan liên quan những thông tin đã được phản ánh cho những cơ quan ngang cấp, cơ quan cấp trên, dưới, và ai là người chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình xử lý này.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, vừa qua, TP HCM đã ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật. Theo đó người đứng đầu các cơ quan có người bị phản ánh phải báo cáo cấp uỷ cùng cấp biết sự việc, báo cáo để thường vụ cấp uỷ chỉ đạo thực hiện.

Khó khăn thứ hai theo ông Nhân là giám sát việc xử lý chế tài các kết luận đối với các cá nhân, tập thể, cá nhân sai phạm. Theo ông Nhân, sau khi cơ quan đảng, nhà nước có chế tài xử lý thì khâu giám sát các chế tài chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Nhiều kết luận thanh tra, kiểm toán không được công bố, các tổ chức mặt trận không biết mà giám sát, vì vậy tác dụng răn đe, điều chỉnh hành vi còn hạn chế. Vì vậy để khắc phục tình trạng này, cần giám sát việc công bố việc thực thi các chế tài của đảng, nhà nước với các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Hiện chưa có quy định các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận phối hợp thực hiện công bố và giám sát thực hiện chế tài.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM đánh giá, quy trình 8 bước phòng chống suy thoái, tham nhũng, còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm của đảng, nhà nước, hoàn chỉnh, ban hành quy chế quản lý ở nhiều địa phương. Định kỳ hàng năm đánh giá một cách toàn diện chưa được nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới.

“Đây là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên đốt lửa to, cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước”, ông Nhân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.