Tình thế đặc biệt cần giải pháp đặc biệt
Sáng nay (6/6), tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về 5 dự án này.
Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để chuẩn bị cho 5 dự án đường cao tốc là nội dung khó khăn, tốn nhiều thời gian của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ. Trong khi khóa XIV chỉ có 1 dự án thì khóa XV có đến 5 dự án trọng điểm quốc gia.
"Đây đều là các dự án cấp thiết, là động lực và có tính chất kết nối vùng. Về cơ bản các dự án đã đạt được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ", ông Huệ khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Nói về nguồn vốn thực hiện dự án, ông Huệ cũng cho biết, các dự án này phải áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với quy định của luật hiện hành. Đơn cử, Luật Ngân sách không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia.
"Cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, trong khi đường song hành vành đai lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn với khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, sẽ xin Quốc hội chấp thuận dùng cả vốn Trung ương và vốn địa phương cho 5 dự án tùy theo khả năng cam kết của địa phương. Tình thế đặc biệt nên cần có giải pháp đặc biệt", ông Huệ nói.
Một cơ chế đặc thù khác được Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, tỉnh lộ thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong thời kỳ 6 dự án trọng điểm quốc gia cùng triển khai và các công trình cũ đang triển khai thì sức Bộ GTVT không làm hết được.
Do đó, phải giao cho một số địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với dự án vành đai 3 và vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương. Trong đó, TP.HCM là đầu mối đường vành đai 3, Hà Nội là đầu mối của đường vành đai 4.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cũng cần làm rõ thế nào là đầu mối và trách nhiệm của cơ quan đầu mối thế nào khi thực hiện từng đoạn nhưng yêu cầu phải thống nhất toàn tuyến?
"Vấn đề quản trị dự án, bảo trì, bảo hành và vận hành sau khi đưa vào khai thác sử dụng cũng là khâu quan trọng cần quan tâm làm tốt. Thu phí thế nào, tổ chức giao thông ra sao là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm ngay từ bước đầu triển khai", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
"Dự án đi qua tỉnh nào sẽ giao cho tỉnh đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng khi có dự án đi qua 2 tỉnh như 3 dự án đường cao tốc sẽ phải giao cho Bộ GTVT quản lý", ông Huệ cho hay.
Thêm nữa, Luật Xây dựng cũng không cho phép tách dự án như đề xuất mà chỉ cho phép lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập. Việc chia dự án theo địa giới hành chính không đúng với Luật Xây dựng. Nếu quá máy móc, nhất là trong giai đoạn phục hồi phát triển kinh tế có cần thiết hay không nên xin với Quốc hội chia dự án theo địa giới hành chính.
Hay Luật PPP không cho phép đóng góp của tư nhân dưới 50%, nhà nước cũng không được vượt quá con số này. Tuy nhiên, phần vốn của nhà nước tại đường vành đai 4 lên đến 66%. Nếu chia đúng theo tỷ lệ của Luật sẽ kéo dài thời gian thu phí, không có nhà đầu tư nào mặn mà nên cũng cần xin Quốc hội cơ chế đặc thù, đặc biệt khác với quy định hiện nay và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể trong giai đoạn hiện nay.
Luật quy định là phải đấu thầu nhưng tại các dự án đường cao tốc lại cho phép chỉ định thầu vì đây là các dự án nằm trong gói kích thích kinh tế cho phép chỉ định thầu cả phần xây lắp. Đối với đường vành đai 3, vành đai 4 cũng cho phép chỉ định thầu nhưng riêng phần xây lắp phải đấu thầu.
Cá thể hoá trách nhiệm
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã có cơ chế đặc thù như này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Nghị quyết Quốc hội cũng sẽ ghi các yêu cầu này.
Nói về phần đóng góp vốn của địa phương vào dự án, ông Huệ cho hay, các địa phương phải cam kết với Chính phủ việc bố trí vốn nhưng đây là cam kết với Chính phủ và Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội.
Cam kết về tổng số vốn, phân kỳ vốn theo tiến độ. Khi điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm phần tương ứng để hoàn thành dự án. Vốn cam kết phải nằm trong ngân sách đầu tư công trung hạn của địa phương. Nghị quyết quốc hội cũng sẽ ghi rất cụ thể việc này.
Việc tổ chức thực hiện cũng cần làm sao cho khả thi. Một lần có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam hiện cũng đang thiếu. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn các nhà thầu lớn có năng lực làm cao tốc.
"Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu xảy ra. Chúng ta trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm. Người nào quyết định người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ định thầu anh nhưng năng lực của anh không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm", ông Huệ khẳng định.
Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, ông Vương Đình Huệ khẳng định không nên đặt ra vì "đụng" nghị quyết Trung ương. Quốc hội cũng yêu cầu không cho dùng vào việc khác và Chính phủ cũng đang phải rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo.
"Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hàng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Còn về đề nghị cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, ông Vương Đình Huệ nói luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
"Nếu đứng ra vay thì có trách nhiệm hoàn trả, phàm người khác vay cho anh tiêu thì không có trách nhiệm lắm. Địa phương làm thì đứng ra mà vay. Doanh nghiệp còn làm được mấy trăm nghìn tỷ nữa là địa phương. Chính phủ không đi làm việc đó. Cứ xin cơ chế rồi nói chúng em không làm được thì xin làm gì", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận