Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được |
Sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Trước đó, chiều 13/6, sau khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu là rõ hơn một số vấn đề liên quan đến quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng), ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) giơ biển tranh luận.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống như với Hạ Long, Sơn Đoòng… “Bao nhiêu xương máu đã đổ để bảo vệ những di sản này, chúng ta còn phải để lại cho con cháu mai sau. Do đó, không thể giao cho UBND Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được. Khi có vấn đề và cử tri lên tiếng thì các cấp trên phải vào cuộc. Riêng tôi đề nghị, chúng ta phải hỏi ý kiến rộng rãi hơn. Cá nhân tôi cho rằng 300 phòng đã là nhiều”, ông Nghĩa nêu ý kiến.
Tranh luận lại ý kiến của ĐB Nghĩa sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ không để Đà Nẵng quyết Sơn Trà thế nào cũng được. Nếu để Đà Nẵng tự quyết thì đã không có làm quy hoạch, không có chuyện thảo luận về làm bao nhiêu phòng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ nói rất rõ, đây là tiếp thu ý kiến, Chính phủ muốn Đà Nẵng chủ động hơn trong tiếp thu ý kiến về Sơn Trà, còn cuối cùng sau khi nghe ý kiến của tất cả các bên thì Chính phủ quyết định, vì luật định việc phê duyệt, bổ sung hay điều chỉnh quy hoạch là Thủ tướng. Chúng ta không phát triển du lịch mà bảo tồn nguyên trạng thì việc bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục khu du lịch Quốc gia cũng do Thủ tướng quyết định.
Phó Thủ tướng phân tích, nói Đà Nẵng chủ động hơn trong tiếp thu ý kiến vì vấn đề Sơn Trà cần sự thống nhất của chính quyền và đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. “Chúng ta đều muốn bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng cũng vậy, cũng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với chính quyền, Chính phủ để bảo vệ Sơn Trà tốt hơn", ông nói.
Theo đó, một vấn đề nữa là trước đây chưa có quy hoạch thì theo thẩm quyền, Đà Nẵng cấp phép đầu tư, giờ có quyết định khác ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì Đà Nẵng phải làm việc với nhà đầu tư.
“Giờ giữ quy mô mức nào, 300 phòng hay bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với nhà đầu tư, vì theo luật, quyết định ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp thì phải có giải pháp cho doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và hy vọng, Đà Nẵng chủ động sẽ có sự đồng thuận và Thủ tướng sẽ quyết định trên tinh thần phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận