“Quên” mùi con gái!
Biết chúng tôi ghé thăm, đích thân ông Sáu “chúa đảo” chèo thúng đi bắt từng con cua đá ở dưới những rạng san hô về rang muối đãi khách. “Chúa đảo” là dân miền Trung gốc (Bình Định) nhưng cách nói chuyện và “bỏ bom” chẳng khác gì bác Ba Phi ở tận miệt U Minh - Cà Mau. Trong bữa cơm chiều trên mũi Kê Gà, ông Sáu hài hước: “Anh em ở đây bị “viêm mũi” nặng! Bởi ở trên đảo toàn là đàn ông và lâu quá không thấy bóng dáng phụ nữ nên bị mùi của biển cả lấn át, riết rồi anh em quên mất cái... mùi phụ nữ!”. Rồi “chúa đảo” phân bua: “Anh em chỉ toàn là đàn ông trên đảo vắng bóng người, nếu không nói chuyện tiếu lâm “xả trét” thì căng thẳng, buồn và nhớ gia đình vô cùng”.
Với lợi thế là bờ biển đẹp và hoang sơ, mấy năm gần đây, Kê Gà là nơi lựa chọn lý tưởng của nhiều đôi uyên ương để chụp hình, lưu giữ kỷ niệm cho ngày trọng đại của mình. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, nhà trường cũng chọn bãi biển này là nơi cắm trại, đốt lửa trại qua đêm. |
“Chúa đảo” cho biết, hơn 35 năm trước, sau khi ra trường ông vào ngành Hàng hải khi tuổi còn rất trẻ. Từ một nhân viên mũi điện ở tỉnh Bình Định, ông được đôn lên làm đội phó. Sau đó, cấp trên luân chuyển từ Bình Định vào Phú Yên, Khánh Hòa rồi vào Bình Thuận làm“chúa đảo” Kê Gà đến tận hôm nay. Ông Sáu đưa ngón tay lên nhẩm: “Tính đầu tháng 8 này là 12 năm mấy tháng tôi làm “chúa đảo” Kê Gà...”.
Sau bữa cơm chiều, ông Nguyễn Văn Sáu dẫn chúng tôi lên tham quan tháp hải đăng để “giám sát” công việc hàng ngày anh em đang làm. Để tới được đỉnh cao của tháp, nơi có gắn “mắt biển” chúng tôi phải bước 183 bậc thang xoắn ốc. Không quen độ cao, mấy anh em hụt hơi, chậm chạp leo theo ông Sáu.
Chăm sóc “mắt biển”
Ông Sáu cho biết, ngày nào cũng thế, sáng và chiều tối, ngày hai lần ông cùng anh em thay phiên nhau lên đỉnh tháp chăm sóc cho “mắt biển”. Cụ thể là lau chùi kiểm tra các thiết bị phát điện. “Mắt biển” là bóng đèn cực lớn công suất hơn 2.000W. Ánh sáng của nó quét đến hơn 22 hải lý (tương đương 40 km- NV) là tín hiệu giao thông hướng dẫn tàu bè qua lại ở vùng biển này.
“Chỉ cần vài phút ánh sáng đèn không phát, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi trên vùng biển này có nhiều bãi đá ngầm chực chờ, đe dọa làm thủng tàu thuyền chỉ trong vài giây”, ông Sáu giải thích.
“Mắt biển” hoạt động từ lúc mặt trời bắt đầu lặn. Khi bình minh thức dậy cũng là lúc “mắt biển đi ngủ”. Trong thời gian “mắt biển” hoạt động, các anh em trực cũng phải thức cùng và đợi cho nó “ngủ” thì anh mới dám ngủ theo...
Hải đăng hơn 110 tuổi
Theo tài liệu của ngành Hàng hải Việt Nam, tháp hải đăng Kê Gà được xây dựng từ tháng 2/1897, do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế. Tới đầu năm 1899 đưa vào sử dụng. Tháp có hình bát giác và được xây dựng bằng đá hoa cương đặc biệt do người Pháp vận chuyển từ các nước khác về. Tháp cao 35 m nếu tính luôn độ cao toàn bộ từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 m, kích thước cạnh của tháp rộng 3 m, đỉnh rộng 2,5 m.
Mũi Kê Gà có vị trí vô cùng hiểm trở với nhiều bãi đá ngầm, nên từ thế kỷ 19, người Pháp cho xây dựng tháp hải đăng trên một hòn đảo nhỏ cách bờ biển hơn 500 mét. Ngọn hải đăng Kê Gà có chức năng hướng dẫn cho tàu thuyền đánh cá và cảnh báo nguy hiểm đối với tàu buôn các nước đi qua khu vực này. Kê Gà cũng là ngọn hải đăng có tuổi thọ nhất Đông Nam Á.
“Chúa đảo” Kê Gà chia sẻ: “Chúng tôi rất yêu hòn đảo nhỏ bé này bởi mỗi ngày đảo cho anh em một vẻ đẹp mà không nơi nào có được. Khoảng khắc yêu quê hương, yêu đất nước mình nhất là vào những dịp lễ lớn như Tết cổ truyền, lễ 30/4 và đặc biệt là ngày Quốc khánh 2/9, anh em chúng tôi đều lên trên đỉnh tháp hải đăng để đón bình minh và hồi hộp chờ vầng thái dương từ từ nhô lên mặt biển...
Một đêm trên mũi Kê Gà, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều thú vị, khó quên. Ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là tháp hải đăng sừng sững cao vút trên nền trời xanh giữa một vùng biển trời giông tố. Dưới chân tháp là những bãi đá thiên nhiên ưu đãi sắp đặt nằm trải dài trên bãi cát trắng hòa với nước biển xanh bên những rặng phi lao trông rất thanh bình yên ả…
Bùi Phụ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận