Tên lửa Hàn Quốc trưng bày tại Bảo tàng Kí ức Chiến tranh Triều Tiên - ảnh minh họa
Có thể sản xuất tên lửa tầm xa vươn tới Bắc Kinh
Trong suốt hàng thập kỷ qua, Hàn Quốc bị cấm bắn tên lửa đạn đạo có tầm xa trên 800 km theo hiệp ước liên minh Hàn-Mỹ được ký kết lần đầu tiên vào năm 1979. Nhưng cuối tháng 5 vừa qua, rào cản này đã được dỡ bỏ.
Trong bài bình luận được đăng tải ngày 11/6, tờ Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia nhận định việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng đối với chương trình tên lửa của Seoul là sự chuyển đổi chính sách đáng kể.
Bởi với quyết định đó, Hàn Quốc về lý thuyết có thể sản xuất tên lửa có tầm xa đủ vươn tới Bắc Kinh (Trung Quốc), Moscow (Nga) và nhiều nơi khác.
Là một quốc gia có "số má" về công nghệ kỹ thuật, từ lâu Hàn Quốc cũng ấp ủ tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo nhưng do bị hạn chế nên chưa thể bung sức.
Theo thỏa thuận năm 1979, Hàn Quốc đã đồng ý với Mỹ sẽ hạn chế tầm bắn của tên lửa đạn đạo nước này còn 180km với lượng chất nổ tối đa 500kg, để đổi lại việc Seoul được phép sử dụng công nghệ của Washington.
Song, trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, kể từ năm 2001, Mỹ và Hàn Quốc đã 4 lần nới lỏng hạn chế về tên lửa.
Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gỡ bỏ giới hạn về trọng lượng đầu đạn hạt nhân, năm 2020, Seoul đã công bố tên lửa đạn đạo Hyunmoo-4 với tầm bắn 800 km có thể mang đầu đạn 2 tấn và được đánh giá là tên lửa có tầm bắn xa nhất trong số các loại tên lửa của Hàn Quốc.
Mục đích chính là đối phó với Trung Quốc?
Quan sát tình hình này, nhiều chuyên gia e ngại bước đi của Mỹ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đáng ngại và một trong số đó là nguy cơ làm leo thang căng thẳng với các nước láng giềng.
Để củng cố nhận định, ông Oh Miyeon, Giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức cố vấn tại Washington đã lưu ý về bối cảnh khi Mỹ đưa ra quyết định.
Hiện tại, Mỹ đang cố gắng thiết lập các hệ thống phòng không tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhằm duy trì mức độ răn đe đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, Triều Tiên đã và đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân trong khu vực. Còn, năng lực quân sự của Trung Quốc ngày càng hùng mạnh trong vài năm gần đây.
Như vậy, khi "cởi trói" cho Hàn Quốc, trước hết, Mỹ chứng kiến đồng minh thân cận phát triển công nghệ vũ khí đủ mạnh để tự phòng thủ trong khu vực.
Hơn nữa, "từ trước quyết định này, Hàn Quốc vốn có đủ sức để trực tiếp đối trọng với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên nên việc dỡ bỏ rào cản về tên lửa còn mang ngụ ý về an ninh tầm cỡ khu vực, chứ không chỉ xoay quanh bán đảo Triều Tiên”, theo ông Oh Miyeon.
Các nước đồng minh có vũ trang mạnh hơn sẽ hỗ trợ Washington trước những mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung về nhiều vấn đề trong khu vực như Đài Loan và Biển Đông.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ càng muốn tăng cường ngoại giao với Triều Tiên - một trong những đất nước rất “khó nhằn” với Mỹ và phương Tây.
Giáo sư Kim Heung-Kyu làm việc tại Đại học Ajou còn cảnh báo mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ xấu đi, giống như khi nước này quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối hồi năm 2016.
Trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà phê bình quốc tế Kim Myong Chol từng đánh giá, động thái mới nhất của Mỹ dường như là một hành động có tính toán và thù địch.
Theo ông Kim, hành động lần này cùng với động thái loại bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn của Mỹ trước đó, cho thấy rõ ai mới là người đứng sau khiến tình hình khu vực leo thang. Ông Kim nhấn mạnh Washington chỉ sử dụng Hàn Quốc để đạt mục đích làm bá chủ của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận