Loạt câu hỏi được đặt ra
Sáng 10/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 07 (NĐ07) và Nghị quyết 30 (NQ30) của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc, "nút thắt" cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và cho chính các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh về lĩnh vực này.
Bên cạnh niềm vui được “cởi trói” trong cơ chế chính sách, giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất và các khó khăn trong đấu thầu như báo giá, xây dựng giá… các đơn vị y tế, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế vẫn còn nhiều băn khoăn.
Mục đích cuối cùng là không để bệnh nhân thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế
Phó giám đốc phụ trách công tác Dược, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: NĐ07 và NQ30 về căn bản giải quyết trước mắt, tình hình mua sắm đã cởi mở và dễ dàng hơn cho các đơn vị. Nhất là về báo giá, trước kia bắt buộc 3 báo giá giờ có thể 1 hoặc 2, giao đơn vị mua sắm thành lập hội đồng chuyên gia để xác định yêu cầu kỹ thuật… Tuy nhiên, nội dung này chỉ áp dụng trong giai đoạn tình huống (hết năm 2023), do vậy đề nghị Bộ có cơ chế để lâu dài hơn.
"Bên cạnh đó, với vật tư hóa chất theo máy gần giống độc quyền, chúng tôi thấy rằng nên giao việc hướng theo đàm phán giá, bởi nếu đấu thầu thì coi như là biết trước, do vậy dưới cơ sở rất khó khăn, và anh em rất lo lắng khi làm thầu.
Về công bố giá, quá trình thực hiện thầu thấy vướng, khi bắt đầu xây dựng giá thì thấy doanh nghiệp đăng tải, chưa xây dựng giá xong lại không thấy. Khi làm mới thấy khó khăn vậy, nên cần rõ đăng tải giá ở đâu, ví như trên trang của Bộ Y tế chẳng hạn, các doanh nghiệp tự đăng, tự xóa rất khó cho đơn vị", vị này cho biết.
BS. Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị: Bộ Y tế và các bộ ban ngành hỗ trợ hướng dẫn cụ thể trong tình huống nào được xác định là cấp bách, ví như việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế… liên quan đến hoạt động cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa? Bởi trong tình huống này thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu rút gọn. Nếu không có hướng dẫn này thì kể cả thông suốt tất cả các nội dung thì việc mua sắm đầu thầu không đơn giản, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.
Với những vật tư, sinh phẩm dùng nhiều, thường quy nên thực hiện như thuốc biệt dược đàm phán giá, nếu đàm phán giá tập trung quốc gia, thì các địa phương dựa vào đó mua kịp thời mà không phải thông qua đấu thầu. Việc công khai giá toàn quốc sẽ rất thuận lợi cho quá trình mua sắm kịp thời đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Còn với TP.HCM, đại diện Sở Y tế thành phố chia sẻ: "NĐ07 và NQ30 đã giải quyết cho thành phố rất nhiều. Chúng tôi họp với các đơn vị, nghe báo cáo, cơ bản giải quyết 80-90% công tác mua sắm, vật tư y tế, thiết bị".
Với TP.HCM, liên quan đến thiết bị tài trợ, viện trợ rất nhiều, đặc biệt sau vụ dịch Covid-19 vừa qua. Đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, thời gian vừa qua các cơ sở y tế rất hoang mang nhận được công văn ngưng không thanh toán BHYT với dịch vụ dùng các thiết bị này. NQ30 bước đầu giải quyết được vướng mắc này, tuy nhiên, lâu dài cần đưa vào Luật Đấu thầu sửa đổi…
Đại diện Sở Y tế Cần Thơ cũng bày tỏ băn khoăn: “NQ30, khoản 3 có quy định về lấy báo giá trực tiếp khi chỉ có 1 nhà phân phối như vậy hình thức là chỉ định thầu có phải không?. Cũng tương tự vấn đề hóa chất đi kèm với máy, hay vật tư thiết bị để sửa chữa máy móc, trên thực tế tình huống này cũng chỉ chỉ định thầu bởi độc quyền…, do vậy cần hướng dẫn và nêu rõ trong các văn bản pháp luật”.
Đại diện một đơn vị kinh doanh trang thiết bị y tế cũng bày tỏ, hầu hết nút thắt được NĐ07 tháo gỡ. Tuy nhiên, với tình huống trang thiết bị y tế độc quyền, báo giá có thể lên gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu như vậy liệu báo giá đó có bị coi “thổi” giá không? “Thực tế, trong kinh doanh luôn có quãng chi phí liên quan từ nhập khẩu đến tiêu thụ sản phẩm, nhất là đặc thù trang thiết bị y tế nhập khẩu số lượng ít thì chi phí càng cao mới có thể đảm bảo đầu ra của sản phẩm”, vị này giải thích.
Tránh tình trạng lợi dụng quy định “1 báo giá”
Trước những ý kiến, khúc mắc đặt ra từ các cơ sở y tế, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Việc triển khai theo NĐ07 và NQ30 giải quyết bước đầu tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Chưa thể nói là giải quyết triệt để vì còn chịu ảnh hưởng của cơ chế chính sách, thông lệ quốc tế và nhiều điều kiện khác.
NĐ07 và NQ30 gỡ nút thắt trong mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện
Trong quá trình tổ chức, thực hiện còn vướng mắc, các đơn vị có ý kiến, chúng tôi ghi nhận và trình CP để tiếp tục giải quyết… Mục đích cuối cùng không thể để bệnh nhân thiếu thuốc và vật tư y tế. Chúng ta xác định NQ30 chỉ xử lý tình huống, lâu dài phải hoàn thiện thể chế”.
Ông Tuyên nhấn mạnh, theo mục 3, NQ30, chỉ áp dụng thí điểm về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Trong đó, các đơn vị lưu ý, với trường hợp trang thiết bị y tế có nhiều loại khác nhau, sẽ giao cho Hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình, tác dụng, sau đó mua sắm thì theo quy định. Hội đồng phải làm việc công tâm khách quan, trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, tránh chuyện lợi ích nhóm trong này. Bộ Y tế sẽ có quy định hoạt động của hội đồng chuyên môn đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Với quy định báo giá, ông Tuyên nhấn mạnh: “Các đơn vị khi xây dựng giá đấu thầu vẫn phải thực hiện đúng quy trình công bố công khai lấy báo giá, trong 10 ngày, trong trường hợp không đủ 3 báo giá thì mới chấp nhận việc có 1-2 báo giá. Các đơn vị đặc biệt lưu ý điều này, không sẽ lại vi phạm.
Với nhà thầu chỉ có 1 (độc quyền), trên cơ sở ý kiến của Hội đồng khoa học, đơn vị lấy báo giá, xây dựng giá gói thầu rồi chuyển theo hình thức đấu thầu theo quy định.
Với trường hợp liên danh, liên kết, các cơ sở phải chịu trách nhiệm về hạn sử dụng, hết khấu hao, chịu trách nhiệm về chất lượng của máy, tránh trường hợp máy hết hạn sử dụng, hết khấu hao nhưng vẫn sử dụng và đưa ra hàng loạt kết quả sai. Nghị quyết 30 cho thanh toán BHYT với máy liên doanh, nhưng bệnh viện phải chịu trách nhiệm về máy móc, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hết hợp đồng, hết khấu hao, không được để sản phẩm đó đánh giá sai kết quả khám chữa bệnh của người bệnh".
Ông Tuyên cũng khẳng định: “Dứt khoát phải hoàn thiện về thể chế, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội ban hành Luật Khám chữa bệnh; tham mưu ban hành nghị định về liên doanh, liên kết; trình Luật Dược sửa đổi; sửa Luật BHYT sửa đổi… Có vậy mới đồng bộ giải quyết triệt để vướng mắc”.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng phối hợp Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu và sớm ban hành các thông tư liên quan đến hướng dẫn mua sắm, đấu thầu; Danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá….
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận