Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải và không thể mở rộng mãi nên việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành là cần thiết (Trong ảnh Ga quốc tế Tân Sơn Nhất) |
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định như vậy và cho biết, từ trước đến nay, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chúng ta cũng đều phải đi vay. 70% công trình cơ sở hạ tầng hiện nay là đi vay, chỉ có 30% là vốn Nhà nước.
Vị trí xây CHK quốc tế Long Thành hợp lý về mọi mặt
Liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định, việc triển khai các bước theo luật để xây dựng cụm CHK quốc tế Long Thành là rất cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng ta đều biết rằng, khả năng đáp ứng nhu cầu về vận tải hàng không của đất nước đối với sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hạn chế về mọi mặt. Xây dựng một CHK mang tầm cỡ quốc tế, chúng ta không thể đưa về phía đồng bằng sông Cửu Long vì điều kiện địa chất không đảm bảo. Chúng ta cũng không thể đưa dịch lên phía Bình Dương hay Bình Phước vì vướng bầu trời của Campuchia. Chọn vị trí ở Long Thành là hợp lý cả về yêu cầu kỹ thuật và kinh tế - xã hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.
Cũng theo ông Kiên, hiện nay một số người còn bày tỏ lo ngại về nguồn vốn đầu tư cũng như khả năng thu xếp nguồn vốn để đầu tư vào CHK quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, chúng ta chưa lập báo cáo khả thi của dự án nên khả năng thu xếp vốn chưa có căn cứ để bàn bạc. Lần này Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi, nên những đơn giá, rồi mức tính toán chúng ta vẫn dựa trên khái toán. Vấn đề kinh tế đắt, rẻ ra sao phải đợi khoảng hai năm nữa, khi có báo cáo khả thi mới khẳng định được. Báo cáo khả thi khi đó cũng sẽ trả lời hết các vấn đề mà cử tri quan tâm về hiệu quả đầu tư, huy động vốn; tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách Nhà nước, vốn tư nhân, vốn nước ngoài…
Trước lo ngại về vấn đề nợ công khi tiến hành đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành, ông Kiên cho rằng, dù nợ công của chúng ta sát ngưỡng thì cũng phải đi vay để xây CHK quốc tế Long Thành vì tính cấp thiết của nó. “Đừng đặt vấn đề đầu tư Long Thành mới đi vay, mà trước nay đầu tư vào cơ sở hạ tầng chúng ta cũng đều phải đi vay. 70% công trình cơ sở hạ tầng hiện nay là đi vay, chỉ có 30% là vốn Nhà nước. Đơn cử như sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, hàng loạt dự án đường quốc lộ, rồi cao tốc… cũng đều phải đi vay để đầu tư xây dựng do chúng ta không có tiền. Chúng ta muốn có cơ sở hạ tầng mới, đồng bộ, buộc phải đi vay rồi tằn tiện trả nợ”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đừng lấy tầm nhìn ngắn hạn phán quyết vấn đề dài hạn
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành là cần thiết bởi vì thực tế, nguy cơ quá tải về hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất là nhãn tiền.
“Xây Long Thành là một dự án quan trọng, có tầm nhìn chiến lược. Với một dự án như thế, đừng lấy tầm nhìn ngắn hạn để phán quyết một vấn đề dài hạn. Như vậy là không hợp lý”, ông Thụ nói và nêu quan điểm: “Chúng ta nên vì sự phát triển tương lai của đất nước, dứt khoát phải đầu tư xây sân bay Long Thành. “Phải làm ngay. Nếu không, chỉ khoảng hai năm nữa Tân Sơn Nhất quá tải, lúc ấy không giải quyết được dẫn đến tình trạng tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng, tạo thành nút thắt trong nền kinh tế”, đại biểu Thụ nói.
Hôm nay (4/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo về chủ trương đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành trước Quốc hội. Ngay sau đó, các ĐBQH sẽ dành thời gian thảo luận tại Hội trường về vấn đề này. |
Cũng theo ông Thụ, trọng điểm kinh tế phía Nam như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… là những tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng GDP rất lớn trong tổng GDP của cả nước. Nếu như đầu tàu kinh tế này mà không trỗi dậy được thì tăng trưởng của cả nước sẽ bị ảnh hưởng.
“Do vậy, khi nhìn thấy nút thắt nhãn tiền về sự phát triển kinh tế thì rõ ràng phải đầu tư, triển khai ngay để khoảng 5 năm sau có thể khai thác được một đường băng ở cảng hàng không mới”, ông Thụ nhấn mạnh và khuyến cáo, đầu tư gì thì đầu tư nhưng phải giữ vững an ninh tài chính quốc gia, phải duy trì ở mức nợ công cho phép. “Hiện tại, các cơ quan Chính phủ cũng đã có chủ trương xem xét thu xếp các nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn vay nước ngoài thì xem xét thêm dưới hình thức nhượng lại quyền khai thác của một số cơ sở hạ tầng giao thông để tạo vốn, từ đó không làm phát sinh tăng thêm nợ công. Tôi cho đó là một cách làm đúng và sẽ khả thi”, ông Thụ nhận định.
Tân Sơn Nhất như chiếc áo đã chật, không thể cơi nới mãi
Cũng liên quan đến việc đầu tư sân bay Long Thành, đỡ gánh nặng cho Tân Sơn Nhất, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ: “Tôi thấy thực sự cần thiết phải xây sân bay Long Thành. Vì sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay như một chiếc áo đã chật, không thể cơi nới hơn được nữa. Hơn nữa, sân bay này lại nằm ngay gần giữa trung tâm thành phố, muốn đến sân bay, phải đi xuyên tâm vào trung tâm thành phố nên giao thông rất phức tạp. Do đó, tôi cho rằng xây dựng sân bay mới Long Thành thực sự là phương án tối ưu”.
TS. Lương Hoài Nam: Cho rằng với dự án Long Thành, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là lấy tiền đầu tư từ đâu và đầu tư theo cơ chế nào, TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh hiện rất khó để trả lời thấu đáo các câu hỏi này. “Bộ GTVT cần được bật đèn xanh, cần được Quốc hội bấm nút thông qua mới có thể mang dự án đó ra ngoài kia nói chuyện với người ta để hỏi rằng anh có tham gia đầu tư không? Anh có cho vay không? Điều kiện của anh là gì? Một khi Bộ GTVT chưa gặp họ, chưa đủ tư cách để nói chuyện với họ thì chưa trả lời được các vấn đề trên”, ông Nam nói và nhấn mạnh: “Tôi cho rằng việc Quốc hội bấm nút là để Bộ GTVT, Tổng công ty CHK VN, Cục Hàng không VN có đủ tư cách mời gọi đầu tư. Sau đó mới lập dự án khả thi hay còn gọi là báo cáo lập dự án đầu tư. Các vấn đề vốn từ đâu, tín dụng từ đâu, tham gia góp vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, mô hình nào… Tất cả điều này sẽ được trả lời trong báo cáo khả thi. T.B |
Theo ông Thuyền, nếu chủ trương này được Quốc hội thông qua, được đầu tư xây dựng sẽ đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi sân bay Long Thành nằm ở khu vực phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Cũng giống như các nước, chúng ta sẽ có một sân bay ngang tầm quốc tế, mở rộng cơ hội giao thương, tạo điều kiện phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch và nâng cao đời sống cho người dân.
Đại biểu Phạm Trường Dân, Phó giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đồng tình với quan điểm Việt Nam cần phải có một CHK tương xứng với tầm vóc và vị thế phát triển của đất nước.
“Nhiều người đặt vấn đề tại sao lại không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất? Tôi cho rằng mở rộng Tân Sơn Nhất cũng được thôi. Tuy nhiên, nó chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt trong vài năm nữa, hay nói đúng hơn, đó chỉ là giải pháp tình thế.
Trong khi đó, chúng ta đang tính toán đến cả việc mở rộng giao lưu quốc tế, nên không thể dùng giải pháp tình thế được mà cần phải có tầm nhìn chiến lược, có phương án tính toán lâu dài”, đại biểu Phạm Trường Dân lý giải và cho biết thêm, trước mắt Long Thành còn vô vàn khó khăn vì phải đầu tư vốn lớn, phải quy hoạch tính toán để di dời hàng nghìn hộ dân.
Tuy nhiên, về lâu dài, đây sẽ chính là bước đột phá để tạo cơ hội cho chúng ta cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) cũng đưa ra khuyến cáo về việc nếu không đầu tư CHK quốc tế Long Thành, chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội lớn. “Thiết nghĩ trong tình hình chung của cả khu vực và Việt Nam như hiện nay, dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành sẽ đảm bảo tính cạnh tranh và trung chuyển trong khu vực. Nếu chúng ta không đầu tư cho những dự án lớn thì chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội, đó là điều rất đáng tiếc”, ông Cương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận