Điện ảnh

"Em và Trịnh" bị quay lén: Có thể xử lý hình sự, phạt tiền 1 tỷ đồng

23/06/2022, 12:35
image

Nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" bức xúc lên tiếng việc phim bị quay lén và phát tán trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Nhức nhối vấn nạn quay lén

Hôm 22/6, nhà sản xuất (NSX) phim "Em và Trịnh" bức xúc lên tiếng việc phim bị quay lén và phát tán trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.

Theo NSX, việc quay lén gần như toàn bộ hình ảnh của phim là hành động thiếu ý thức, tiếp tay cho nạn "phim lậu", là tiền đề cho các hành vi gây tổn hại chất xám...

img

Một cảnh trong phim "Em và Trịnh"

Đây không phải là lần đầu tiên, phim Việt đối mặt với tình trạng bị quay lén hay tiết lộ tình tiết, nội dung lên mạng xã hội.

Trước đó, các phim như: "Cô Ba Sài Gòn", "Gái già lắm chiêu V", "Lật mặt 3"... cũng rơi vào tình huống tương tự, khiến nhà làm phim và khán giả vô cùng bức xúc.

Trả lời Báo Giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, không rõ mục đích của họ là gì, nhưng việc phát tán sản phẩm khi chưa xin phép chủ sở hữu đã vi phạm quy định pháp luật về Sở hữu trí tuệ.

Theo luật sư, việc quay lén video trong rạp chiếu phim được hiểu là việc một hay nhiều người sử dụng một hoặc nhiều phương tiện (camera, máy điện thoại, máy quay…) có công dụng ghi hình để quay lại các bộ phim đang được công chiếu khi chưa được sự cho phép của nhà sản xuất.

Như vậy, người có hành vi quay lén, phát tán nội dung video phim không chỉ vi phạm quy định của rạp chiếu phim mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Khoản 6 Điều 28, khoản 5 Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

Mức phạt nào cho hành vi quay lén?

Về mức xử phạt, luật sư Tiền cho hay, người nào thực hiện những hành vi nêu trên có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm.

img

Luật sư Trần Xuân Tiền

Về xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm có thể bị phạt tiền lên đến 35 triệu đồng theo quy định tại Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đồng thời có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số, hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trên với quy mô thương mại; hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 200 triệu đồng (đối với pháp nhân) đến dưới 300 triệu đồng; hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 300 triệu đồng (đối với pháp nhân) đến dưới 500 triệu đồng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 225 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Khung hình phạt được áp dụng đối với cá nhân là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, đối với pháp nhân là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

"Nếu hành vi trên được thực hiện có tổ chức, thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; pháp nhân có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu có thể yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự, tuy nhiên phải chứng minh được thiệt hại đã xảy ra từ hành vi quay lén và phát tán phim lên mạng xã hội", luật sư Tiền nói thêm.

Qua vụ việc này, luật sư Tiền cũng nhấn mạnh rằng, việc quay lén phim được chiếu tại rạp và phát tán phim trái phép không phải là chuyện hiếm gặp trên thực tế.

Tuy nhiên, việc xử lý chưa đạt được hiệu quả vì người dân vẫn luôn có tâm lý xem trên mạng cho đỡ tốn tiền mua vé và điều này đã trở thành thói quen ăn vào tiềm thức.

Do đó, các nhà sản xuất phim nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các sự việc vi phạm như trên. Có như thế mới tạo tiền đề cho một văn hóa xem phim “sạch” và tuân thủ pháp luật, đó cũng là sự công bằng mà người làm phim xứng đáng nhận được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.