Đi xe đạp tại trung tâm London (Anh) khá nhiều rủi ro |
“Chết” để an toàn hơn
TP Copenhagen (Đan Mạch), một buổi sáng đi làm, Ann Doerthe – nhân viên công tác xã hội bị một chiếc xe buýt đâm gẫy nát xương chân. Sau 6 tuần, cô xuất viện trong tình trạng một phần chân đã bị phẫu thuật cắt bỏ, phải cấy ghép da để che phần xương còn lại. Ann nói: “Tôi đã gặp may. Những người khác khi gặp tai nạn như thế này thường không có cơ hội sống”.
Tại Hà Lan, để đi xe đạp một cách an toàn và tiện lợi hơn, chính quyền đã thiết kế một mạng lưới rộng lớn các con đường dành riêng cho xe đạp. Có không ít các con đường với tấm biển đề: "Đường dành cho xe đạp, ô tô chỉ là khách". Xe đạp luôn luôn được ưu tiên di chuyển trên các vòng xoay trong khi xe ô tô phải kiên nhẫn chờ đợi người đi xe đạp có thể vượt qua. |
Tai nạn với người đi xe đạp đã báo động đến mức, cuối năm 2013 vừa qua, hàng nghìn người cùng với chiếc xe đạp của mình đã tham gia sự kiện “chết 15 phút” tại Southwark, trung tâm London (Anh), bên ngoài văn phòng Sở Giao thông để tưởng niệm 6 người đi xe đạp tử nạn trong vòng chưa đầy một tháng, nâng tổng số người chết trong cả năm lên 20. Những người tham gia cũng yêu cầu giới chức thành phố chi 600 triệu bảng/năm để đảm bảo cho việc đi xe đạp an toàn, theo DailyMail.
Donnachadh McCarthy, 54 tuổi, thành viên ban tổ chức sự kiện cho biết, sự kiện lấy ý tưởng từ sự kiện tương tự từ Hà Lan. Tại đây, những người đi xe đạp kinh hoàng với số người tử nạn liên quan tới xe đạp lên tới gần 50 người nên đã tổ chức sự kiện “giả chết” để yêu cầu đầu tư cho sự an toàn của những người đi xe đạp.
Groningen, một thành phố ở phía Bắc Hà Lan có dân số chỉ khoảng 200.000 người mà lại có tới 375.000 xe đạp và 50% tổng hành trình được thực hiện bằng xe đạp. Điều có vẻ đáng tự hào này giờ đang là nỗi lo đối với giới chức và chính những người đạp xe bởi không gian dành cho xe đạp ngày càng chật hẹp. Trung bình mỗi năm xảy ra gần 150 vụ tai nạn khiến 28 người tử nạn, gần 70 người phải điều trị dài ngày.
Hướng đến mạng lưới xe đạp an toàn
Tháng 11/2013, khi được phóng viên của tờ Guardian phỏng vấn về số người tử vong do tai nạn khi đi xe đạp ngày càng tăng cao, thị trưởng London Jonhson đã cho rằng, những người đi xe đạp ở đây không chịu tuân thủ luật giao thông và khẳng định: “Chúng tôi không đầu tư vào công trình giao thông với mục đích cứu mạng họ (những người đạp xe vi phạm luật giao thông)”.
Phản ứng với phát biểu của ngài thị trưởng, Donnachadh McCarthy nói: “Chúng tôi quá chán ngán với những cái chết. Chúng tôi cần có mạng lưới xe đạp an toàn. Chúng tôi tin rằng, đó là quyền con người di chuyển một cách an toàn, và tại thời điểm này họ không thể có được điều đó”.
Còn nạn nhân tai nạn xe đạp Ann Doerthe ở trên cũng thừa nhận: Các đường dẫn tới trung tâm thành phố Copenhagen dành cho xe đạp thường rộng khoảng 3-4m. Khi đèn giao thông chuyển sang tín hiệu xanh, dòng người đạp xe ùa ra với tốc độ khoảng 20km/h, nên tai nạn là điều không tránh khỏi.
Jack Harris – Giám đốc điều hành công ty chuyên cung cấp dịch vụ du lịch bằng xe đạp Tally Ho ở London nhận định: “Để người đi xe đạp cảm thấy an toàn, chúng ta cần một hệ thống hạ tầng cho phép mặt cắt đường phố rộng hơn, có đủ không gian cho bất cứ ai muốn đi xe đạp”.
Jack Harris dẫn chứng TP Oregon (Ba Lan) là một trong những nơi có luật “Bảo vệ những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương”. Điều luật này là thứ mà các thành phố khác tại châu Âu nơi đang có tham vọng phát triển xe đạp và có mật độ xe đạp cao phải học tập.
Minh Hương
(Theo CNN)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận