Bất động sản

"Góc khuất" cần làm rõ trước khi "đánh" thuế bất động sản bỏ hoang?

10/03/2022, 15:34

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ nhà nước đánh thuế bất động sản bỏ hoang thì các chuyên gia cũng chỉ ra những "góc khuất" cần phải làm rõ?

Thuế chồng thuế, giá nhà tăng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, việc đánh thuế cần xem xét thật kỹ lưỡng để tránh trường hợp "thuế chồng thuế".

Theo ông Châu, thuế là một công cụ rất hiệu quả nhưng nếu công cụ sai lại tác hại ghê gớm nên phải cân đối mọi thứ và phải phải nhìn vào tổng thể. Nếu áp thuế tài sản thì phải giảm tiền sử dụng đất xuống và cần có lộ trình để không gây sốc cho thị trường".

img

Nhiều biệt thự trong khu đô thị Sudico Nam An Khánh bỏ hoang

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, trước khi tính đến việc đánh thuế tài sản, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng.

"Chúng ta cần xây dựng lộ trình tiếp cận từng bước, không nên tạo cú sốc đột ngột khiến thị trường triệt tiêu cơ hội phát triển. Thuế tài sản hướng đến mục tiêu chống đầu cơ, kiểm soát thị trường nhưng cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến các nhà đầu tư trên thị trường. Việc thị trường địa ốc nóng (sốt) hay chuyển lạnh (đóng băng) sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế bởi BĐS là ngành có liên quan đến hơn 40 ngành nghề khác", vị này nói.

Vị đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại, đánh thuế sẽ tác động mạnh lên giá nhà ở. Giá nhà ở trên thị trường sẽ tiếp tục tăng cao nếu phải gánh thêm thuế tài sản bởi mọi loại thuế, phí cuối cùng đều "chạy" vào giá thành. Cùng với đó, giá nhà cho thuê sẽ tăng mạnh khi căn nhà thứ 2 dùng để kinh doanh cho thuê bị đánh thuế. Khi đó, những đối tượng khách hàng cuối cùng, gồm cả người mua và người thuê, sẽ chịu thiệt. Đồng nghĩa, mục tiêu giảm nhiệt thị trường nhà ở và bảo vệ người có thu nhập thấp của thuế tài sản sẽ khó đạt được.

Khung pháp lý còn mơ hồ

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội làm rõ thêm, pháp luật hiện nay quy định người có thu nhập có thể phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Khi nhận chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì họ phải chịu lệ phí trước bạ và một số phí, lệ phí khác.

Trong quá trình sử dụng, chủ tài sản phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nộp hàng năm). Khi chủ sở hữu chuyển nhượng cho người khác thì họ phải chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng và diện chịu thuế). Như vậy, chủ sở hữu tài sản chịu thuế cho toàn bộ quá trình từ khi có thu nhập, mua tài sản đến khi bán tài sản.

"Việc đánh thuế nhà ở cần phải dựa trên các văn bản luật, nghị định liên quan. Song khung pháp cho hoạt động này hiện nay còn mơ hồ. Nếu cưỡng chế đánh thuế với nhà ở bỏ hoang là vi phạm quyền sở hữu của người dân theo quy định của pháp Luật Dân sự về quyền được sở hữu tài sản. Do đó, bài toán đặt ra là làm sao vừa thu thuế chống đầu cơ lại vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân", Luật sư nói.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương cho ý kiến góp ý về việc bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản, sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trước ngày 15/4/2022.

Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh giá mặt được, chưa được của từng luật trong quá trình thực thi cũng như tác động với đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, số lượng hàng hoá đánh thuế, số thuế, mức thuế, hoàn thuế… để đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, với Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành đề xuất nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung vào luật, như bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản. Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi với nền kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước; đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.