Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn Quốc hội ngày 6/6 |
Sớm trình Quốc hội dự án Luật về PPP
Đề cập đến vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn, xử lý tồn tại của các dự án BOT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết của T.Ư và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm. Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan và sẽ sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Quách Thế Hùng (Hòa Bình) dẫn lại báo cáo kiểm toán Nhà nước cho thấy, các dự án đầu tư công có yếu kém, sai sót. Điển hình như việc các dự án BT chủ yếu chỉ định thầu, lợi ích nhóm... ĐB Hùng muốn biết Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận nhiều dự án đầu tư công trong triển khai có sai sót, khi lập dự án chi phí đầu vào có vẻ khiêm tốn, nhưng thực tế thi công kéo dài khiến đội vốn, cá biệt có dự án ở Ninh Bình điều chỉnh tổng mức đầu tư 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng. Với những sai phạm trong đầu tư công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm Chính phủ là xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả kiểm toán Nhà nước, các cơ quan xử lý trách nhiệm đơn vị liên quan theo quy định, trong đó, nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra. “Chính phủ dự kiến ban hành một nghị định trên cơ sở sửa ba nghị định về đầu tư công trong tháng 6 và đề nghị Quốc hội sửa Luật Đầu tư công tại kỳ họp cuối năm nay”, Phó Thủ tướng thông tin.
Tính toán các lợi ích để làm đặc khu
Quan tâm đến việc xây dựng các đặc khu kinh tế, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Phó Thủ tướng: “Nếu Quốc hội thông qua Luật Đặc khu thì Chính phủ sẽ căn cứ tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu như thế nào?”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, “đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt”. Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn. Với quy trình chặt chẽ như thế, ông tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Phó Thủ tướng phân tích giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn của lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa.
Đáp lại, Phó Thủ tướng cho hay, trên thế giới, việc thành lập các đặc khu là tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế, tạo sự tăng trưởng. Còn ở ta, hiện luật này vẫn đang được thảo luận và tính toán tất cả lợi ích như kinh tế, an ninh để xem xét.
Về băn khoăn nếu đặc khu ra đời, hai trung tâm chính là Hà Nội và TP HCM sẽ thế nào, Phó Thủ tướng khẳng định, có ba đặc khu thì Hà Nội và TP HCM vẫn luôn là hai đầu tàu động lực của kinh tế cả nước; cùng với 7 vùng kinh tế động lực, vẫn phải tiếp tục dành nguồn lực đầu tư để tạo sự lan tỏa. Đặc khu hoàn toàn không ảnh hưởng gì đối với việc đầu tư hai đầu tàu và 7 vùng kinh tế này.
Chưa hài lòng với câu trả lời này, ĐB Trí tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, cho biết muốn Phó Thủ tướng thông tin việc phát triển đặc khu như thế thì vấn đề an ninh, toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tính như thế nào. Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật Đặc khu đang được bàn thảo, muốn trả lời phải có thông tin đầy đủ, cặn kẽ. Vì thế, bà đề nghị để Phó Thủ tướng có thời gian chuẩn bị và sẽ trả lời câu hỏi này bằng văn bản.
Tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phải thận trọng Trả lời chất vấn của ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang rất cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người. Vì thế, giải quyết việc này phải có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể nhiều yếu tố như: Tạo việc làm mới cho người bước vào thị trường lao động; bảo đảm cơ cấu ngành nghề vì có ngành muốn nghỉ sớm; vấn đề già hóa dân số; bình đẳng giới; vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm xã hội... Nghị quyết T.Ư quyết định từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp. Sau này, khi tiến hành sửa Luật Lao động, Quốc hội sẽ quyết định. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận