Xã hội

"Không công bằng khi nói Hải Dương thiếu quyết liệt dập dịch Covid-19"

17/02/2021, 16:37

Đó là ý kiến của đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hải Dương trước thông tin địa phương lơ là, thiếu quyết liệt khi dập dịch.

img

Việc xét nghiệm, truy vết tại Hải Dương được tiến hành trên diện rộng

Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 tại Hải Dương tiếp tục diễn biến phức tạp. Đến nay, tỉnh Hải Dương ghi nhận 539 ca mắc Covid-19. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương.

Trước một số ý kiến cho rằng Hải Dương không quyết liệt dập dịch dẫn tới tình trạng trên, ông Nguyễn Quang Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương – Trưởng tiểu ban Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh khẳng định, nhận định này là không công bằng.

"Chúng tôi tiếp thu và ghi nhận tất cả những thông tin, kể cả thông tin phản ánh trái chiều. Tuy vậy, nếu nói Hải Dương lơ là, thiếu quyết liệt trong phòng, chống dịch là không công bằng, phủ nhận công sức của cả hệ thống chính trị, các lực lượng của Hải Dương trong công tác chống dịch", ông Phúc nói.

Hải Dương tiếp tục đề nghị Trung ương chi viện

Ngày 17/2, Hải Dương tiếp tục báo cáo đề nghị được hỗ trợ xét nghiệm và vật tư, thiết bị y tế trong công tác phòng, chống dịch từ Trung ương.

Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 1; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thiết lập labo xét nghiệm tại huyện Cẩm Giàng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương còn đề nghị Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ 1 kíp chuyên gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (Trường Đại học Sao Đỏ, TP Chí Linh); Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị y tế công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Phúc cho biết: Ngay từ đầu, Hải Dương đã rất quyết liệt chứ không phải đến bây giờ. Đó là ngày 27/1, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty POYUN, TP Chí Linh, một ngày sau Hải Dương đã tiến hành phong tỏa thành phố này. Mức độ cao hơn cả việc cách ly xã hội như hiện nay.

Tuy vậy, dịch Covid-19 bùng phát đợt này ở Hải Dương là chủng mới, thời gian ủ bệnh không có những biểu hiện rõ ràng. Khi bệnh nhân đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản thì các F1, F2 đã di chuyển, tiếp xúc rất nhiều rồi nên quá trình truy vết, dập dịch khó khăn hơn rất nhiều.

"Hải Dương đã và đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch. Suốt từ ngày 27/1 tới nay, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các lực lượng chức năng như y tế, công an, quân đội căng mình tại các chốt kiểm soát, truy vết, điều trị… rất vất vả. Chúng tôi xác định Hải Dương dập dịch không phải cho Hải Dương mà là dập dịch cho cả nước. Lúc này, chúng tôi rất cần những lời động viên, sự hỗ trợ", ông Phúc chia sẻ.

Trước thông tin cho rằng Hải Dương có phần chậm trễ trong việc công bố cách ly xã hội toàn tỉnh, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: Việc thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh là lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam, chúng tôi phải đối chiếu theo chiến lược chống dịch của Bộ Y tế đưa ra chứ không phải cứ muốn là làm.

"Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại rất nhiều cuộc họp và đã chỉ đạo các địa phương về chiến lược chống dịch lần này là truy vết thật nhanh, xét nghiệm diện rộng, cách ly, khoanh vùng thật gọn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Ngày 15/2, dịch xuất hiện 8/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh, chúng tôi vẫn quyết định giãn cách xã hội toàn tỉnh. Chúng tôi cho rằng đây là quyết định kịp thời, chứ không muộn", ông Thăng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thông tin thêm, đối với ổ dịch mới phát sinh tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương xác định đây là ổ dịch ngoài cộng đồng. Hiện việc truy vết đang được tiến hành quyết liệt, TP Hải Dương cũng đã áp dụng hàng loạt biện pháp cách ly để khoanh vùng, dập dịch.

"Chúng tôi đã đề yêu cầu lượng công an phối hợp chặt chẽ với y tế trong việc điều tra, truy vết. Cùng với đó, chúng tôi đề nghị quân đội vào cuộc, làm chủ công trong việc tổ chức cách ly tập trung vì đây là lực lượng rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức kỷ luật tập trung. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hải Dương sẽ sớm thành công trong việc khoanh vùng dập dịch. Tuy vậy, Hải Dương cũng rất mong có thêm sự hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương trong quá trình chiến đấu chống dịch Covid", ông Nguyễn Quang Phúc nói thêm.

Người dân không ra khỏi nhà để phòng, chống Covid-19

Tính đến 6h ngày 17/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận 539 ca bệnh, tăng 40 ca. Dịch đã lan rộng ra 12/12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương.

Hải Dương đang có 5 ổ dịch lớn, gồm Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương. Trong đó, ổ dịch mới tại TP Hải Dương đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19.

Theo báo cáo, từ ngày 9/2 trở về trước, tại TP Hải Dương chỉ có 4 ca mắc. Tuy nhiên, trong 7 ngày gần nhất, TP Hải Dương xuất hiện 19 ca mắc, trong đó có 8 ca mắc trong cộng đồng. Đây là ổ dịch có tính chất phức tạp.

Tình trạng tại TP Hải Dương phức tạp bởi thời gian ủ bệnh khá lâu, các trường hợp F0 đã tiếp xúc với nhiều người, việc truy vết cũng gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết.

Liên quan ổ dịch này, Chủ tịch UBND TP Hải Dương đã yêu cầu từ ngày 16/2, người dân không ra khỏi nhà để phòng, chống Covid-19. Thành phố này chỉ xác nhận để người dân ra ngoài trong trường hợp đi bệnh viện cấp cứu theo quy trình của ngành y tế. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hải Dương đã thiết lập 11 vùng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.