Xã hội

"Không thể chấp nhận cán bộ, đảng viên mua điểm cho con"

19/04/2019, 08:10

Theo ông Vũ Quốc Hùng, là Đảng viên thì không được tiêu cực, chạy chọt. Bỏ tiền mua điểm cho con là điều không thể chấp nhận được.

img
Ông Vũ Quốc Hùng

Những trường hợp thí sinh được nâng điểm thi ở Sơn La đang dần lộ diện. Hiện, dư luận quan tâm phụ huynh các em là ai, họ có bị xử lý, đặc biệt những trường hợp là cán bộ, đảng viên? Báo Giao thông trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư xung quanh câu chuyện này.

Đối chiếu với các quy định của Đảng, theo ông thì việc một cán bộ, đảng viên nếu được xác định đã tác động hoặc đưa tiền để con em mình được nâng điểm thì họ đã vi phạm những gì?

Nếu đúng như họ có hành vi tác động để con em mình được nâng điểm thì họ đã vi phạm 19 điều Đảng viên không được làm. Họ đã lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để can thiệp, tác động, đề nghị hoặc gây áp lực để được giải quyết nhằm trục lợi. Còn nếu họ đưa tiền thì rõ ràng là hành vi đưa hối lộ, bao che dung túng cho việc môi giới, nhận hối lộ. Đây cũng là điều bị cấm.

Nghị quyết T.Ư 4 cũng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái trong cán bộ đảng viên, trong đó nhấn mạnh việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, mới đây nhất Đảng đã ban hành quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, trong đó chỉ rõ hành vi tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi là điều bị cấm.

Là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu, không được tiêu cực, chạy chọt, hối lộ. Những người có hành vi tác động hoặc bằng cách nào đó để con em mình được nâng điểm là không thể chấp nhận được. Chắc chắn họ sẽ phải bị xử lý theo quy định của Đảng, tùy theo mức độ mà có thể bị khiển trách, cảnh cáo hay khai trừ.

img
Danh sách phụ huynh có con được nâng điểm thi tại Sơn La. Nguồn: Tuổi Trẻ

Đáng chú ý, trong các trường hợp được nâng điểm, có ít nhất ba trường hợp là con cán bộ chủ chốt Sở GD&ĐT tỉnh. Thực tế này phản ánh điều gì, thưa ông?

Điều đó lại càng không thể chấp nhận. Bởi những cán bộ trong ngành Giáo dục trước hết phải có trách nhiệm trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát hiện và ngăn chặn tiêu cực để đảm bảo cho một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, khách quan. Thế nhưng chính họ lại đi ngược lại. Điều này không chỉ khiến xã hội mất niềm tin, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành, cao hơn nữa là tư cách của người cán bộ, đảng viên.

Trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, việc xem xét xử lý đối với các trường hợp phụ huynh là cán bộ, đảng viên sẽ diễn ra sau khi các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất việc xử lý vụ án gian lận thi cử. Tuy nhiên theo ông, trước mắt, với những trường hợp có liên quan thì tỉnh có nên tạm ngừng mọi việc liên quan tới khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm… cho đến khi mọi việc rõ ràng?

Theo tôi, dù cơ quan chức năng chưa có kết luận, nhưng khi có thông tin như vậy thì tổ chức Đảng cũng không thể làm ngơ, đứng ngoài cuộc. Vì thế, cấp ủy tại nơi những cán bộ, đảng viên nằm trong diện nghi vấn cần yêu cầu họ làm giải trình, kiểm điểm. Sau đó, tùy theo tính chất, mức độ mà xử lý theo các quy định của Đảng, Điều lệ Đảng. Còn sau này các cơ quan tố tụng có kết luận rõ ràng thì khi đó ai sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

img
Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La (bìa phải) cùng 4 thuộc cấp bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự

Trong danh sách đang dần lộ diện, tất cả đều là con em của cán bộ “có cỡ” trong tỉnh, tuyệt nhiên không có con em dân thường. Theo ông, việc con em những người này được nâng điểm đã cướp mất cơ hội của những em khác như thế nào?

Điều này đã quá rõ ràng. Chính vì những em được nâng điểm thế này mà nhiều em khác đã không được vào đại học, đồng nghĩa với việc cánh cửa cuộc đời của các em đã có thể rẽ sang hướng khác. Chưa kể, không ít em được nâng điểm là thủ khoa của một số trường danh tiếng. Nếu không bị phát hiện, nghiễm nhiên các em vẫn sẽ theo học bình thường, rồi sau này ra trường không hiểu trong bộ máy sẽ có những cán bộ như thế nào. Điều này rất nguy hiểm.

Theo ông, việc điều tra làm rõ phụ huynh của những em này đã tác động thế nào, đã đưa tiền cho ai có cần thiết hay không?

Nếu cơ quan chức năng xác định được những phụ huynh đó đã có hành vi tiêu cực thì chắc chắn họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo tôi việc điều tra làm rõ là rất cần thiết, bất kể người đó là ai.

Không loại trừ việc trong danh sách cũng có những em được nâng điểm ít và có thể các em học thật, việc tác động của phụ huynh đã đẩy con em mình vào vòng xoáy tội lỗi. Muốn cho con được điểm cao nhưng thực chất là hại con. Theo ông, điều đó xuất phát từ nguyên nhân gì?

Tôi nghĩ họ muốn con em mình hơn con em người khác, nên dù biết các em học không giỏi nhưng vẫn cố tình làm như thế. Họ làm thế vì họ nghĩ đó là chăm lo cho con em mình, mà không hiểu được rằng như thế là làm hại con, làm hại xã hội. Trách nhiệm chính ở đây vẫn là của người lớn.

Đây là thống kê năm 2018, còn những năm trước nữa thì sẽ như thế nào và các tỉnh, thành trong cả nước liệu có tình trạng gian lận như vậy hay không? Dư luận có quyền đặt vấn đề và quan điểm của ông thế nào?

Dư luận đặt vấn đề như vậy cũng không sai, nhưng rõ ràng để làm được việc này không đơn giản. Điều quan trọng là sau những sự việc như thế này, các cơ quan chức năng rút ra được điều gì, có những giải pháp gì để từ nay về sau không còn xảy ra những việc tương tự như thế nữa.

Cảm ơn ông!

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó chánh án TAND Tối cao):
Bản chất là “đưa và nhận hối lộ”?

img

Trong xã hội pháp quyền, tất cả các vi phạm pháp luật đều phải được điều tra xử lý đến nơi đến chốn. Còn theo các quy định của Đảng, ai làm tốt thì khen thưởng, ai có vi phạm thì phải bị xử lý tuỳ theo mức độ. Chúng ta phải xác định rõ như vậy trong câu chuyện này, chứ nếu không nền giáo dục đào tạo của đất nước đi đâu, về đâu?

Chắc chắn không ai tự đi nâng điểm cho các em cả. Chắc chắn phải có người nhờ vả nhưng nhờ vả kiểu gì, dùng chức quyền hay tiền bạc thì đó là việc mà cơ quan chức năng phải làm cho rõ.

Hơn nữa, trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, có cán bộ giáo dục khai đã nhận 500 triệu đồng để sửa điểm thi. Và trong vụ này, nếu có điều tra, khởi tố thì tội danh có lẽ là đưa và nhận hối lộ thay vì lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, nếu như cơ quan điều tra xác định được việc có đưa tiền. Bởi việc đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn bản chất là đưa hối lộ, đưa tiền để làm một việc có lợi cho người đưa.

Tất nhiên có thể không phải tất cả những phụ huynh này đều đưa tiền, mà có thể họ lợi dụng quyền hạn, chức vụ để ra lệnh, chỉ thị cho cấp dưới nâng điểm cho con em mình. Vì vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ hành vi và trên cơ sở đó mới có thể xác định có tội hay không có tội và đó tội gì.

Văn Huế (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.