Theo báo cáo mới nhất (tháng 4/2019) của Công ty quản lý bến xe Hà Nội gửi Sở GTVT Hà Nội, trong vòng 2 tháng cao điểm (tháng 12/2018 và tháng 1/2019) tại Bến xe Giáp Bát, có 66 đơn vị đăng ký vận tải có số lượt chuyến hoạt động dưới 70% quy định.
Đáng chú ý, trong số này có 27 đơn vị vận tải “vắng mặt” hoàn toàn. Có thể kể đến như: Công ty cổ phần Khánh Tám đăng ký hoạt động hai đầu bến Giáp Bát - Mỹ Lộc, Giáp Bát - Nam Trực; Công ty TNHH Hải Thắng tuyến Giáp Bát - TP Ninh Bình; HTX vận tải ô tô TP Ninh Bình đăng ký 2 nốt xe đều chạy vào khung giờ “vàng” 13h05 và 15h35 tuyến Giáp Bát - Kim Sơn - Lai Thành; Công ty THNN Minh Dũng đăng ký chạy tuyến Giáp Bát - Kim Sơn với 4 khung giờ/ngày; Công ty Cổ phần du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường chạỵ tuyến Giáp Bát - Tam Điệp; HTX 27/7 tuyến Giáp Bát - Thái Nguyên; Công ty TNHH vận tải CIV tuyến Giáp Bát - Miền Đông...
Ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác như: HTX dịch vụ du lịch Sài Gòn, Công ty TNHH Đại Phát; Công ty vận tải hành khách Cao Nguyên; Công ty TNHH Thuỳ Dương; Công ty CP Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường... cũng mới chỉ đáp ứng từ 20-60% số lượt chuyến theo quy định.
Tình trạng nhà xe “bỏ bến” còn diễn ra căng thẳng hơn ở bến xe Nước Ngầm. Thống kê cho thấy, cũng với thời gian như trên, tại bến xe Nước Ngầm có tới 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động. Điển hình như HTX dịch vụ vận tải ô tô Nam Danh chạy tuyến Nước Ngầm - Bến xe Đồng Hới có giờ xuất bến là 19h hàng ngày. Tuy nhiên, đơn vị này đã không hoạt động.
Tương tự, Công ty TNHH TM và VT Hoàng Sơn chạy tuyến Nước Ngầm - Minh Lộc bỏ bến từ tháng 9/2018; Công ty Cổ phần quốc tế Mỹ Đình, Công ty TNHH TM DV VT Hoàng Yến, Công ty CP vận tải Nam Trực, HTX vận tải Thăng Long, HTX CPDV KD vận tải hành khách Nghệ An, HTX DVVT Bình Minh... cũng “bỏ bến” không hoạt động, thậm chí nhiều đơn vị còn không đăng ký hoạt động vận tải khách năm 2019.
Trao đổi với Báo Giao thông ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội (đơn vị hiện đang quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) cho biết, trong quy định kinh doanh vận tải bằng ô tô có yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động tại bến xe phải đảm bảo chạy 70% số chuyến lượt. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện các loại hình xe hợp đồng, công nghệ đưa đón khách tận nơi, hoạt động ở bến xe cũng ít sôi động hơn, nhiều nhà xe bỏ bến ra ngoài hoạt động.
"Trước đây, số chuyến lượt của các doanh nghiệp thường đạt 100%, chỉ trừ trường hợp xe hỏng hóc... Còn giờ nhà xe họ nêu đủ lý do như khách ít hơn hay xe hỏng để giảm số chuyến lượt ở bến. Khi nhà xe giảm số chuyến lượt, hành khách sụt giảm bến cũng bị ảnh hưởng”, ông Toàn khẳng định.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cũng cho biết, hiện ở bến có khoảng 20 - 25% nhà xe bỏ bến để chạy hợp đồng mùa lễ hội. Khoảng 30/4 - 1/5 lượng doanh nghiệp mới hoạt động đông đủ ở bến xe. Ông Thành cũng khẳng định, ngoài các trường hợp nhà xe nghỉ để bảo dưỡng xe, bến xe cũng xuất hiện các trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh ở bến xe nhưng lại hoạt động chạy dù nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Ở góc độ của quản lý, đại diện Phòng quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tới đây sẽ rà soát lại tình trạng này và yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhà xe vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận