Cùng với việc áp sàn giá dịch vụ xếp dỡ container giữa tàu với cảng, các doanh nghiệp đang đề nghị được áp sàn với dịch vụ xếp dỡ container giữa cảng với sà lan |
Xếp dỡ container giữa cảng - sà lan giá... 0 đồng
Chuyện thật như đùa này được Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép Nguyễn Xuân Kỳ khẳng định khi nói về bất cập trong việc áp giá sàn dịch vụ xếp dỡ container giữa tàu và cảng nhưng lại bỏ qua giữa cảng và sà lan.
Trên thực tế, từ sau thời điểm Bộ Tài chính quyết định áp sàn giá dịch vụ xếp dỡ container theo Quyết định 1661 (46 USD/container 20’, 68 USD/container 40’ và 75 USD/container trên 40’), nhiều doanh nghiệp khai thác cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải đã bù đắp được toàn bộ giá thành dịch vụ bốc dỡ container và một phần chi phí đầu tư cảng. Trước đó, theo Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) Seong Won Hong, hầu hết các cảng trong khu vực đều rơi vào tình trạng lỗ nặng khi mức giá thỏa thuận không thể bù đắp được chi phí đầu tư cũng như chi phí trả cho các nhà cung cấp hiện hữu.
Nhiều ý kiến cho rằng để tránh việc cạnh trạnh không lành mạnh có thể lan sang khu vực TP HCM, gây hậu quả tiêu cực tới sự phát triển của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, nên coi khu vực Cái Mép - Thị Vải và TP HCM là một thị trường và cùng thực hiện chương trình bình ổn giá. Về lâu dài, cụm cảng số 5 nên được đặt dưới sự quản lý của một cơ quan Nhà nước, có thể là chính quyền cảng để thống nhất quản lý, tránh những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, tiêu diệt lẫn nhau làm tổn hại tới lợi ích của các nhà đầu tư và xã hội. |
Đáng nói là khi không thể “dìm” giá xếp dỡ container giữa tàu và cảng, các doanh nghiệp lại quay sang “lách luật” bằng cách ép giá sà lan. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) Vũ Khắc Từ, đơn vị có hai cảng liên doanh là CMIT và SP-PSA nhấn mạnh: 96% lượng hàng hóa đến và rời khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải được vận chuyển bằng sà lan và chiếm đến 50% sản lượng các cảng tại khu vực này. “Việc quy định cụ thể và tách bạch mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ cho sà lan tại khu vực Cái Mép - Thị Vải là hết sức cần thiết để giải quyết tình trạng cạnh tranh khốc liệt về giá dịch vụ này” - ông Từ đề xuất.
“Nếu không có quy định tách bạch về mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ cho sà lan sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn để các hãng tàu ép doanh nghiệp cảng giảm giá xuống mức tối đa cho dịch vụ này. Như vậy, tác động tích cực của giá sàn nhằm tăng doanh thu, giảm lỗ cho các doanh nghiệp cảng sẽ không được như kỳ vọng” - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép Nguyễn Xuân Kỳ lo ngại.
Đồng quan điểm, ông Mok Kevin Chung-Kai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH cảng Quốc tế Sài Gòn VN (SITV) cho biết: Phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Cái Mép - Thị Vải đều được vận chuyển sâu vào trong nội địa đến tay chủ hàng hoặc ngược lại bằng sà lan.
Giá nào hợp lý?
“Để bình ổn giá bốc xếp container, không thể chỉ quy định mức giá tối thiểu cho riêng tác nghiệp giữa tàu và cảng mà phải quy định mức giá tối thiểu cho dịch vụ bốc xếp giữa cảng và sà lan và ngược lại. Hơn nữa, việc quy định mức giá tối thiểu cho cả hai loại dịch vụ bốc xếp chính yếu này tại cảng sẽ giúp việc thực hiện mức giá tối thiểu được kiểm soát chặt chẽ hơn, mới thực sự bình ổn được thị trường” - ông Mok Kevin Chung-Kai nói.
Mức giá sàn mà Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép cũng như nhiều doanh nghiệp khai thác cảng khác tại đây đề xuất cho dịch vụ xếp dỡ sà lan đối với container 20’ là 14 USD và 40’ là 20 USD.
Đồng quan điểm với một số doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng tại đây, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cũng đề nghị áp dụng bổ sung mức giá bốc dỡ container đối với tác nghiệp sà lan - bãi cảng. Cục này đề nghị được phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cùng các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu hoạt động tại Cái Mép - Thị Vải tiến hành khảo sát, đánh giá tác động của việc bổ sung tác nghiệp này, ban hành vào quý III/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015.
Thanh Bình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận