Phim Việt chưa sáng tạo ...
Thời gian gần đây, khán giả Việt Nam đã háo hức trở lại với dòng phim truyền hình. Cá nhân anh cảm thấy thế nào?
Tôi nghĩ đây là một tín hiệu rất tích cực cho những người làm phim truyền hình Việt Nam. Có lẽ sau một thời gian nhận rất nhiều “gạch đá” từ dư luận, các nhà làm phim có những chuyển biến, thay đổi mang tính tích cực hơn. Bằng chứng là thời gian gần đây có rất nhiều phản hồi tích cực của công chúng đối với phim truyền hình Việt Nam. Thậm chí, có cả “Hội phát cuồng vì phim Việt” trên cộng đồng mạng, với hàng chục ngàn thành viên. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần phim Việt Nam sẽ có một vị thế nhất định trong lòng công chúng, tạo được làn sóng lấn lướt phim nước ngoài.
Theo anh, những thay đổi tích cực cụ thể của phim truyền hình Việt là gì?
Trong những năm vừa qua, dòng phim nước ngoài và đặc biệt là phim Hàn Quốc tung hoành ở Việt Nam. Trước áp lực như vậy, các nhà làm phim truyền hình đã có những thay đổi mang tính đột phá. Đầu tiên là khâu kịch bản, đề tài. Các nhà biên kịch hiện nay đã bắt nhịp cùng với xu hướng thời đại, hơi thở của cuộc sống hiện tại, nên kịch bản, đề tài đã trẻ trung, gần gũi hơn. Điều đó giúp phim phản ánh đúng sự quan tâm của khán giả, qua đó sự yêu thích của công chúng tăng lên.
Nguyễn Lê Việt Anh, sinh năm 1981. Anh bắt đầu được chú ý sau vai diễn Cao Thanh Lâm trong bộ phim “Chạy án”. Việt Anh cũng được đánh giá tốt trong các phim “Gió nghịch mùa”, “Tình yêu không hẹn trước” và mới nhất là “Chỉ có thể là yêu”. Với ngoại hình bắt mắt, Việt Anh được không ít các fan nữ hâm mộ. |
Ngày xưa chúng ta quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”, tức là cứ ngồi đợi mọi người đến và cảm nhận rằng: “À, phim của tôi hay, mọi người đến xem đi”. Còn bây giờ, tất cả phải bước vào cuộc chơi sòng phẳng, nên các nhà làm phim phải cố gắng và họ nhận ra rằng, PR và truyền thông là một việc bắt buộc phải thực hiện để lôi kéo người xem đến với phim của mình.
Hơn nữa, việc tham gia của các nhà làm phim truyền hình tư nhân góp phần thúc đẩy dòng chảy của phim Việt. Mảnh đất nhiều người cày cấy sẽ tạo nên sự cạnh tranh. Những người trong cuộc đều phải có ý thức làm mới mình một cách tích cực mới có thể gặt hái được nhiều thành công. Và như vậy, vô hình trung phim truyền hình sẽ phát triển.
Phim Hàn đã nhàm chán
Anh nghĩ gì khi phim Hàn thống trị màn ảnh Việt trong những năm vừa qua?
Tôi thấy có một tín hiệu tốt, đó là sự quan tâm của mọi người dành cho phim Hàn Quốc đã chững lại. Công chúng muốn tìm kiếm, thưởng thức cái gì đó mới mẻ hơn. Chính nhu cầu về một hơi thở mới hơn đã giúp phim truyền hình Việt Nam bắt đầu đi lên. Các bạn trẻ cũng thấy khi phim Hàn Quốc đã nhàm chán thì phim truyền hình Việt với những “món ăn” mới đã hấp dẫn họ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà. Có lẽ phim truyền hình Việt đang gặp thời (cười).
Nhưng có thể thấy, hiện nay truyền hình hướng nhiều tới đối tượng trẻ và cách làm lãng mạn lại hoặc rất giống hoặc có hơi hướng phim Hàn Quốc?
Khán giả trước đây thích phim Hàn Quốc vì phim có những tình tiết lãng mạn, dàn diễn viên trẻ đẹp trong khi hiện nay phim Việt Nam cũng vậy. Cũng có thời điểm phim truyền hình vẫn đề cập nhiều tới giới trẻ nhưng cách đặt vấn đề, đề tài về giới trẻ chưa bắt nhịp được hơi thở, chưa chạm đúng vào cảm xúc của giới trẻ nên họ không hào hứng đón nhận.
Dù đề tài, lối đi của phim Việt không mang nhiều sáng tạo, đột biến nhưng thực tế là đã lôi kéo được khán giả. Đó mới là điều quan trọng nhất.
Anh có xem nhiều phim Hàn Quốc không?
Thật sự thì cũng có quan tâm một số bộ phim đình đám. Bởi mình xem để hiểu mạch sống bên ngoài diễn ra như thế nào, qua đó học hỏi chứ không thể cứ nhìn mãi cái “ao làng” của mình, để suốt ngày tự hào về những phim mình đã và đang tham gia được.
Cảm ơn anh!
Lý Phạm (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận