Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương
Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương chia sẻ với Báo Giao thông về những mong muốn của người dân thể hiện qua việc góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Mong muốn chống tham nhũng thực hiện nghiêm túc ở các cấp
Xin ông cho biết, việc lấy ý kiến nhân dân góp ý văn kiện của Đảng được tổ chức như thế nào?
Việc lấy ý kiến được tổ chức nhiều vòng, nhiều cấp với nhiều thành phần. Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến nhân dân, các giai tầng của xã hội, đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội.
Thống kê cho thấy có trên 9.000 lượt người tham gia góp ý kiến, trong đó có 300 đại biểu phát biểu trực tiếp tại các hội nghị và nhiều đại biểu gửi bài tham luận.
Qua việc lấy ý kiến nhân dân góp ý văn kiện của Đảng, thì những vấn đề người dân quan tâm nhiều nhất là gì, thưa ông?
Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là dự thảo Báo cáo chính trị, vai trò của Nhân dân được đặc biệt đề cao, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyền làm chủ của Nhân dân được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đất nước. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng chính trị, pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ.
Hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân thông qua các cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp. Đây là định hướng rất quan trọng đối với việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Do đó, người dân rất quan tâm ủng hộ, đồng thời có góp ý kiến nghị hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý để MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn nữa theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đồng thời bổ sung 2 thành tố mới là "dân giám sát, dân thụ hưởng".
Nội dung thứ hai mà người dân rất quan tâm là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân. Báo cáo chính trị đã chỉ ra các định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Người dân góp ý kiến cần bổ sung "tổ chức thi hành pháp luật chưa được coi trọng" và "tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật" là những giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ tuân thủ pháp luật và kỷ cương của người dân vào dự thảo Báo cáo chính trị.
Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến hết ngày 2/2/2021
Ngoài ra, các ý kiến quan tâm nhiều đến việc chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng ban hành đã đúng, đã trúng, hợp với lòng dân thì phải nhanh chóng thể chế thành chính sách pháp luật. Đây là một việc vô cùng quan trọng để chủ trương của Đảng được triển khai thuận lợi, toàn diện và hiệu quả trong cuộc sống.
Một nội dung khác mà nhân dân tham gia góp ý là việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong đó nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Người dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao thời gian qua Đảng đã mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc phòng chống tham nhũng.
Người dân mong muốn công tác tham nhũng được duy trì thường xuyên, đồng bộ, bảo đảm chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, giữ vững kỷ cương phép nước, đồng thời ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả việc nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ công chức biến chất, thoái hoá.
Phát huy sức mạnh "thế trận lòng dân"
Những góp ý của nhân dân tác động như thế nào trong việc hoàn thiện văn kiện trình Đại hội lần này, thưa ông?
Trung ương đánh giá rất cao góp ý văn kiện của nhân dân. Các đóng góp rất tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với nhân dân, với đất nước, xem đó như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tham gia vào quá trình hoạch định đường lối chủ trương, chính sách phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Điều này khẳng định sâu sắc sự phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ, thể hiện sự cầu thị của Trung ương trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp vào các dự thảo văn kiện.
Thời gian tới, Ban dân vận sẽ làm gì để tiếp tục thu góp được thêm nhiều ý kiến của người dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước?
Công tác dân vận phải gắn liền, đồng bộ với công tác xây dựng của Đảng, phải xác định rõ cơ chế dựa vào nhân dân để làm công tác xây dựng Đảng, dựa vào nhân dân để tăng cường hơn công tác dân vận.
Công tác dân vận phải tiếp tục đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước. Đồng thời, quan tâm đến cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp. Đó chính là chiều sâu của công tác dân vận trong giai đoạn tới.
Mọi nhiệm vụ của hệ thống chính trị phải hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân" trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận