Tiết canh tôm hùm có thể gây dị ứng cho người ăn |
Mặt sưng vù vì tôm hùm
Vừa trở về sau chuyến du lịch Nha Trang trong kỳ nghỉ lễ, anh Trần Văn Tú (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn còn sợ hãi vì món tôm hùm. Anh Tú cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi thử món tôm hùm nên hào hứng lắm. Ai dè, khi vừa dứt món tiết canh tôm hùm, đã thấy người rạo rực nhưng cứ nghĩ do uống rượu. Khi gắp đến miếng sashimi tôm hùm thứ hai, thấy mặt đỏ bừng, phù lên từng đám đỏ rực, ngứa ngáy, tê môi, lưỡi và khó thở…”. Thấy anh Tú có dấu hiệu bất thường, cả nhóm bạn vội đưa anh đến viện. Tại đây, sau thăm khám, xét nghiệm máu, anh Tú được bác sĩ chẩn đoán dị ứng thực phẩm, và được chỉ định điều trị bằng thuốc tiêm. “Trước đó, mình chưa từng bị dị ứng với thức ăn, đây là lần đầu tiên. Giờ thì chừa món tôm hùm và sẽ chẳng mạo hiểm với món mới nữa”, anh Tú chia sẻ.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, hầu hết các loại hải sản nói chung đều có thể gây dị ứng. Nhưng các loài như tôm, cua, ngao sò, mực dễ gây dị ứng hơn cả. Có hai loại dị ứng, một là dị ứng với các loài giáp xác như tôm, cua... hai là dị ứng với các loài nhuyễn thể như ngao, sò, hến... Bên cạnh đó, còn có các thực phẩm khác cũng dễ gây dị ứng như: Trứng, sữa, đặc biệt là sữa bò, lúa mì, đậu nành, đậu tương… hay các loại hạt như: Dẻ, điều, hạnh nhân, óc chó, dẻ cười, đậu phộng (lạc). |
Còn với gia đình chị Nguyễn Thanh Phương (Gia Lâm, Hà Nội), vốn dĩ đã biết cô con gái dị ứng với các loại hạt như lạc, đậu tương nên đây là nhóm thực phẩm không bao giờ có mặt trong gia đình. Tuy nhiên, trong chuyến dã ngoại homestay cùng nhóm gia đình, bạn bè ở Hàm Lợn, sơ xuất con gái chị Phương lại ăn đúng món chế biến từ đậu tương. Hậu quả, cả buổi đi chơi thay vì được nô đùa với bạn bè, cô bé bị đau bụng, tiêu chảy, đốm ban nổi khắp người.
Theo BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng, dị ứng thực phẩm diễn ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với những chất có trong thực phẩm, thường là protein, mà cơ thể cho là những chất gây hại. Hiện tượng này khởi đầu cho một chuỗi các phản ứng dị ứng diễn ra trong cơ thể. Các loại thức ăn khác nhau thường gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau. “Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị. Biểu hiện dị ứng thực phẩm cũng đa dạng: Nhẹ thì nổi mề đay trên da, đỏ bừng mặt, phù mạch hoặc xảy ra triệu chứng như: Nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy, dễ gây nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn. Một số trường hợp nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ, có thể đe dọa tính mạng”, ông Sơn cho biết.
Không “đùa” với dị ứng thực phẩm
Theo BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, thực tế một số người bị dị ứng với loại thực phẩm đặc biệt có thể gây khó chịu nhưng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với người khác, phản ứng dị ứng thức ăn dẫn đến sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng. Do vậy, cần lưu ý những dấu hiệu sớm để nhập viện can thiệp kịp thời như: Ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng. “Triệu chứng của sốc phản vệ có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Cần được cấp cứu trong vòng 30 - 60 phút, nếu không có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, ông Sơn cho hay.
Cũng theo BS. Trương Hồng Sơn, khi ăn, gọi món, cần hỏi rõ thành phần có trong món ăn và nếu có loại thực phẩm gây dị ứng, nên yêu cầu suất ăn của bạn không chứa loại thực phẩm này.
Nếu tự nấu ăn tại địa điểm du lịch, trước hết, cần chia sẻ với người thân, bạn bè về tình trạng dị ứng thực phẩm của mình để mọi người cùng biết và chú ý hơn. Tốt nhất, bạn nên trực tiếp tham gia vào quy trình nấu nướng, chế biến thực phẩm để biết chắc rằng món ăn nào an toàn. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thực phẩm thay thế cho các loại thực phẩm dễ gây dị ứng. “Tốt nhất, nếu đã bị dị ứng thực phẩm, bạn nên chuẩn bị và mang riêng đồ ăn khi đi ra ngoài…”, ông Sơn khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận