Sau chuyến hàng xuất khẩu, nhiều xe bị mất tài sản
Những ngày gần đây, nhất là sau khi loạt bài tái diễn “luật ngầm” tại cửa khẩu Tân Thanh được đăng tải, PV Báo Giao thông liên tục nhận được thông tin phản ánh của các tài xế, chủ xe về việc bị mất trộm tài sản sau khi vận chuyển hàng sang Trung Quốc trở về.
Theo quy trình xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới hiện nay, tài xế khi chở hàng lên cửa khẩu thì sẽ điện thoại cho "nhà luật" (người làm thủ tục xuất khẩu) do chủ hàng hoặc chủ xe chỉ định trước.
Sau đó, móoc xe (chở hàng) sẽ được cắt, lắp vào đầu xe của Công ty cổ phẩn vận tải thương mại Bảo Nguyên (đơn vị được tỉnh Lạng Sơn giao quản lý kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu). Lái xe chuyên trách của Công ty Bảo Nguyên sẽ lái xe sang bên kia biên giới, giao móoc xe cho lái xe chuyên trách phía Trung Quốc rồi quay về.
Khi bốc hàng xong, móoc xe sẽ được đưa trở lại Việt Nam theo quy trình tương tự.
Lái xe chuyên trách làm thủ tục đưa xe sang Trung Quốc xuất hàng tại cửa khẩu Tân Thanh.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (quê Hà Tĩnh) cho biết, ngày 27/7, anh được thông báo đến nhận lại moóc xe sau nhiều ngày vận chuyển nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Qua kiểm tra, anh tá hỏa phát hiện xe đã bị đập phá, lấy trộm máy phát điện nhãn hiệu YAN MAR được lắp đặt kiên cố trên xe.
“Máy phát điện này trị giá khoảng 30 triệu đồng, được lắp đặt để dự phòng làm lạnh, bảo quản hàng hóa vận chuyển. Chuyến hàng này chủ xe cũng phải nộp 27 triệu đồng tiền luật sau hơn nửa tháng vận chuyển, nằm chờ, xuất hàng qua biên giới nên chủ xe bị thua lỗ nặng”, anh Dũng nói.
Anh Dũng cho biết thêm, ngày 18/7, anh cắt moóc, giao xe cho “nhà luật” (người nhận làm thủ tục hành chính tại cửa khẩu - PV) và lái xe chuyên trách của Công ty CP Vận tải thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên) kéo hàng sang Trung Quốc xuất khẩu. Ngày 19/7, khi “nhà luật” gửi hình ảnh xe bên Trung Quốc thì vẫn còn thấy chiếc máy phát điện này trên xe.
Nội dung tường trình của tài xế và vị trí lắp đặt chiếc máy phát điện bị mất trên xe.
Tuy nhiên, ngày 27/7, sau khi nhận lại moóc xe này tại Công ty Bảo Nguyên thì chiếc máy phát đã “không cánh mà bay”. Ngay lúc đó, anh Dũng đã trình báo sự việc cho chủ xe và “nhà luật” thì được hướng dẫn đến Công ty Bảo Nguyên trình báo, yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc bị mất trộm tài sản trên xe.
Tương tự, tài xế N.V.H., quê Bình Định cho biết: Trước khi bàn giao moóc xe xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, anh đã đổ đầy bình dầu để duy trì máy lạnh, bảo quản hàng hóa trên xe và khóa lại để bảo vệ tài sản. Sau gần 1 tuần nhận lại moóc xe tại Công ty Bảo Nguyên, anh phát hiện khóa thùng dầu bị đập phá, dầu trong bình cũng đã bị hút cạn.
Clip tài xế phản ánh mất trộm dầu và ốp đinh moóc xe sau khi xuất hàng từ Trung Quốc trở về.
“Khi thắc mắc, tôi được “nhà luật” giải thích phải phá khóa để bổ sung dầu cho xe tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi xe sang biên giới 2 ngày, tôi đã được “nhà luật” thông báo trả hàng thành công, đang chờ xếp “lốt” về Việt Nam. Moóc xe không phải chạy lạnh thì không thể hết dầu.
Ngoài ra, trong suốt những ngày xe đỗ tại Trung Quốc, tôi cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào về việc bị hết dầu, phải phá khóa như vậy. Qua tính toán, trừ phần tiêu hao khi xe hoạt động, tôi khẳng định đã bị hút trộm khoảng 180 lít dầu trên xe, trị giá khoảng 4,5 triệu đồng”, anh H. nói.
Ngoài ra, để tương thích giữa moóc xe Việt Nam và đầu xe Trung Quốc khi đổi đầu container xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu, tài xế phải đặt cọc 600 nghìn đồng để sử dụng ốp đinh trên moóc xe của Công ty Bảo Nguyên với quy định, trả lại ốp này sẽ được nhận lại tiền.
Tuy nhiên, khi nhận lại moóc xe tại Công ty này, chiếc ốp trên cũng đã “không cánh mà bay” nên các tài xế đều không được lấy lại số tiền đã đặt cọc trước đó. Các chuyến hàng khác, tài xế tiếp tục phải đặt cọc hoặc tự mua ốp để sử dụng. Nhiều người đã bị mất đi, mất lại nhiều lần gây bức xúc cho đơn vị vận tải.
Tài xế cần trình báo ngay để ngăn chặn kịp thời
Trao đổi với PV, lãnh đạo quản lý của Công ty Bảo Nguyên xác nhận đã nhận được nhiều phản ánh về việc mất trộm máy phát, mất dầu, rách hỏng lốp khi xe sang Trung Quốc xuất hàng. Những phản ánh này đã được Công ty ghi nhận, chuyển đến lực lượng biên phòng và Trung tâm quản lý cửa khẩu để các đơn vị thông tin, đề nghị cơ quan chức năng phía Trung Quốc kiểm tra, làm rõ.
Cận cảnh ốp định trị giá 600 nghìn đồng nhiều tài xế bị mất trộm tại cửa khẩu.
Riêng nội dung phản ánh mất ốp đinh khi moóc xe đã về bến bãi do Công ty quản lý, vị lãnh đạo trên cho hay sau khi đặt cọc tiền, nhiều tài xế không trả lại ốp trên để nhận lại tiền mà giữ luôn để sử dụng cho lần sau hoặc tự mua để lắp đặt theo xe nên rất khó quản lý. Đến nay, Công ty cũng chưa nhận được thông tin phản ánh về việc mất trộm này.
Về phần mình, quản lý Công ty Bảo Nguyên khẳng định: Lái xe chuyên trách của đơn vị không thể lấy trộm tài sản trên xe như phản ánh trên. Theo quy định, sau khi đổi đầu container, lái xe chuyên trách Việt Nam sẽ bị niêm phong cabin, không được rời khỏi buồng lái.
Trên đường vận chuyển hàng từ bãi đến cửa khẩu bàn giao moóc xe cho lái xe chuyên trách Trung Quốc đều có người của Công ty và các lực lượng hải quan, biên phòng và kiểm dịch tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ nên lái xe chuyên trách Việt Nam không thể lấy trộm tài sản trên xe.
Nhận viên Công ty Bảo Nguyên dán niêm phong buồng lái đối với phương tiện trước khi kéo hàng sang Trung Quốc.
Khảo sát tại cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày gần đây, PV Báo Giao thông ghi nhận, chặng đường vận chuyển hàng hóa từ Công ty Bảo Nguyên đến biên giới chỉ dài vài trăm mét. Khi xe đến khu vực cửa khẩu, Công ty Bảo Nguyên đều cử người giám sát, hỗ trợ lái xe chuyên trách dán giấy niên phong buồng lái. Khu vực này cũng được lực lượng biên phòng, hải quan và kiểm dịch với khoảng 10 người làm nhiệm vụ cùng hệ thống camera, máy soi, chiếu giám sát chặt chẽ.
Lãnh đạo Trạm Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Nhiều tháng nay các lực lượng biên phòng và công an đã phối hợp, thành lập tổ công tác bảo đảm ANTT tại cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, đến nay tổ công tác chưa tiếp nhận tài xế nào đến trình báo về việc mất trộm tài sản trên xe như phản ánh trên.
Từ lúc lái xe chuyên trách làm thủ tục lên xe và xuất hàng sang Trung Quốc đều được các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ.
“Để kịp thời, kiểm tra, xác minh, làm rõ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý, ngăn chặn những trường hợp tương tự, chúng tôi đề nghị tài xế, chủ xe cần trình báo ngay cho lực lượng chức năng để có căn cứ giải quyết, bảo đảm ANTT trên địa bàn”, lãnh đạo Trạm biên phòng cửa khẩu Tân Thanh nói.
Sau khi tiếp nhận thông tin PV Báo Giao thông cung cấp, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết sẽ cho kiểm tra, xác minh cụ thể. Qua kiểm tra, đến hết chiều 3/8, Ban và Trung tâm quản lý cửa khẩu chưa nhận được phản ánh liên quan.
“Nhà luật” vẫn thu tiền giá cao tại cửa khẩu
Khảo sát tại cửa khẩu Tân Thanh trong những ngày gần đây cho thấy, các nhà luật vẫn thu tiền giá cao. Đưa ra bảng kê tiền luật và sao kê chuyển khoản cho nhà luật, anh N.V.P., một tài xế xuất khẩu thanh long cho biết: Ngày 3/8, sau 2 ngày xuất khẩu sang Trung Quốc, anh đã được “nhà luật” tên Mai Văn Tư thông báo “tiền luật” của chuyến hàng là 29,2 triệu đồng.
Sao kê chuyển khoản tiền luật chủ xe gửi cho "nhà luật" sau chuyến hàng xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh.
Theo anh P., đây là khoản tiền cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 2 lần so với đầu năm nay. Trong đó, ngoài các khoản tiền được kê tại Trung Quốc không có hóa đơn, kiểm chứng như: Khử trùng, kiểm dịch, bốc dỡ moóc... có khoản tiền hết sức vô lý với giá cao là tiền chạy lạnh có giá 100 tệ/lần, trong khi hàng chỉ tồn trên xe tại Trung Quốc trong 2 ngày nhưng bị kê đến 11 lần chạy lạnh là hết sức vô lý vì moóc xe đã có máy phát, tự động duy trì độ lạnh 24/24h.
Cũng mới xuất khẩu chuyến thanh long qua Trung Quốc, một tài xế quê Khánh Hòa cho biết: Sau khi xuất khẩu, dù không được thỏa thuận trước bất kỳ khoản thu nào nhưng anh vẫn bị “nhà luật” trừ 31 triệu đồng vào tiền cước xe sau khi xuất khẩu sang Trung Quốc trở về.
Trong đó, nặng nhất là các khoản thu được kê ra là thuê tài xế tại Trung Quốc. Cụ thể, chạy lạnh 1000 tệ, kéo moóc 225 tệ, lùi bệ 500 tệ, kéo moóc không 225 tệ, tài kéo moóc không 350 tệ, tài 1.600 tệ (trong đó có khoản tiền 500 tệ quay đầu)...
Clip ghi nhận lái xe chuyên trách bị giám sát chặt chẽ, niêm phong buồng lái tại cửa khẩu Tân Thanh.
Công an đã xác minh vụ "nhà luật" giữ giấy tờ, ép đưa tiền
Trước đó, ngày 15/7, Báo Giao thông đăng bài “Tái diễn “luật ngầm” nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh nhiều lái xe, đơn vị vận tải tiếp tục bị các “nhà luật” giữ giấy tờ xe, yêu cầu đưa từ 25 - 30 triệu đồng, cao gấp gần 2 lần thời điểm trước.
Ngày 19/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giao các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương kiểm tra các thông tin báo nêu để có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản giao Công an tỉnh khẩn trương vào cuộc làm rõ, đề xuất biện pháp xử lý, hoàn thành trước ngày 30/7/2022.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đến nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã vào cuộc xác minh và báo cáo UBND tỉnh trong thời hạn giao. Tuy nhiên, đây là báo cáo nội bộ giữa 2 cơ quan, lại được đóng dấu “mật” nên không thể cung cấp cho báo chí.
Liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn được biết, Công an tỉnh đã giao Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn xác minh, báo cáo theo quy định.
Kết quả cần được thống nhất với các sở, ngành và báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn trước khi thông tin. Quan điểm của lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn là phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm vụ việc nếu có sai phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận