Trong tuần qua, một chiếc camera bỗng trở nên "siêu hot", clip nó thu được tràn ngập mạng xã hội, lên cả báo chí nước ngoài. Đó là chiếc camera trong thang máy chung cư Golden Palm. Hiệu ứng hình ảnh sau vụ việc được dự đoán sẽ còn kéo dài, thậm chí lưu mãi mãi là tư liệu phong trào #metoo chống quấy rối tình dục.
Nhờ truy xuất dữ liệu camera mà cô sinh viên 20 tuổi tố cáo thành công kẻ tấn công cô. Tên Đỗ Mạnh Hùng đã không thể chối cãi do hình ảnh hắn được camera bắt rất rõ. Giả sử chiếc camera này "mờ câm "như đa số các cameara khác "gắn cho có" thì hắn dễ dàng chối bay!
Thực tế, vô số vụ tố cáo tình dục khác đã chìm xuồng. Thậm chí cô gái lên tiếng còn bị cộng đồng quay lại chĩa mũi dùi công kích, ngờ vực động cơ. Đơn cử như vụ cô vũ công tố cáo anh ca sĩ, hay cô sinh viên thực tập tố cáo anh trưởng ban một tờ báo.
Cảm ơn chiếc camera trong thang máy. Và cảm ơn nhiều chiếc camera khác, đã góp phần quan trọng giúp cơ quan công an nhanh chóng bắt nghi phạm, từ vụ cô gái ship gà bị bắt cóc, hãm hiếp và giết chết tới vụ bé gái 9 tuổi ở Hà Tây bị yêu râu xanh chở đi rồi hiếp dâm, tấn công chảy máu vùng kín, gãy tay, vỡ xương mặt... Nhờ hình ảnh camera trên đường mà cơ quan điều tra xác định được đối tượng khả nghi.
"Lưới camera lồng lộng", từ các camera an ninh hay camera gắn trước nhà, vô số kẻ cắp "phơi áo". Trên các diễn đàn mạng, ngày nào cũng có clip mới từ các vụ trộm cắp, cướp xe máy, cướp điện thoại mà kẻ xấu có khi núp dưới hình ảnh một chị tiểu thư đi xe hơi (nhưng vẫn ăn trộm chậu hoa cảnh), là anh "xe ôm" mặc áo Go Việt hay Grab (mà vèo một cái trở thành trộm, cướp... ).
Để chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chưa lúc nào chúng ta cần thêm thật nhiều những chiếc camera như lúc này. Hiện ở thành phố lớn, chính quyền đặt lắp camera ở đầu hẻm và cuối hẻm, các giao lộ lớn để theo dõi an ninh trật tự. Nếu có thể, hãy đưa nó vào các góc tối ở chung cư, nhà xe, khúc đường vắng... nơi tội phạm dễ ra tay nhất.
Không chỉ chống tội phạm đâu, camera cũng góp phần giúp mọi người cư xử văn minh hơn. Không xấu hổ sao được khi một ngày, hình ảnh của bạn chễm chệ khắp cõi mạng vì bất ngờ mắc bệnh "tiểu đường" không kiểm soát; hay trót "ngược đường ngược nắng" giữa dòng người tăm tắp tuân thủ giao thông; hoặc xoe xóe xỉa xói, nhảy chồm chồm sau một vụ va chạm giao thông ngoài ý muốn...
Nhưng xét đến cùng, khi xã hội đã bất an, bao nhiêu camera cũng là không đủ. Tội phạm ngày nay quá ranh ma khi có nhiều cách đối phố với camera. Chúng mặc áo khoác, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang và chạy xe lướt nhanh qua máy quay khó mà nhận dạng... Chưa kể, những tên tội phạm chuyên nghiệp còn biết tháo nguồn điện, che "mắt thần" hay đánh lừa camera trước khi hành động.
Có ai còn nhớ vụ camera tự nhiên bị người quét dọn làm sút dây nguồn, mất dữ liệu đúng ngày đúng giờ một người mẹ tố cáo con gái bị hiếp dâm ở một trường tiểu học Thủ Đức? Các thủ đoạn đánh tráo dữ liệu camera đầy rẫy trên các phim hình sự đó thôi.
Suy cho cùng, camera cũng chỉ là công cụ hỗ trợ con người. Nếu con người vô cảm, thờ ơ với đồng loại, thiếu trách nhiệm trong công việc hay hơn nữa là cố tình tiêu cực trong xử lý, thì những chiếc camera dù có mẫn cán, công tâm tới đâu cũng đành chào thua. Và những vụ việc gây bức xúc xã hội như kẻ hiếp dâm bé gái 9 tuổi được tại ngoại, hay kẻ tấn công tình dục trong thang máy chỉ bị phạt 200 ngàn đồng vẫn xảy ra bình thường mà thôi!
Còn khi pháp luật được tuân thủ nghiêm, con người bớt đi chút vô cảm, tăng thêm trách nhiệm, thì mỗi người cũng có thể là một "camera" để giám sát, để bảo vệ chính mình và cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận