Đường bộ

"Luồng xanh" vận chuyển hàng hóa khu vực TP HCM vận hành thế nào?

08/07/2021, 17:49

Tổng cục Đường bộ VN hướng dẫn cụ thể việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

img

Doanh nghiệp vận tải sẽ được cấp thẻ nhận diện để vận chuyển hàng hóa giữa TP HCM đi các tỉnh và ngược lại - Ảnh minh họa

Hướng dẫn quy trình cấp thẻ nhận diện cho phương tiện

Chiều nay (8/7), Tổng cục Đường bộ VN hướng dẫn cụ thể việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Đơn vị này cho biết, mục đích của việc này nhằm tạo thuận lợi lưu thông, vận chuyển hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại, phương tiện đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian thành phố cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ (tạo luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển được ưu tiên).

Tổng cục Đường bộ VN giao Sở GTVT TP Hồ Chí Minh hướng dẫn tổ chức giao thông, cấp thẻ nhận diện cho phương tiện.

Theo đó, các đơn vị có phương tiện thuộc đối tượng được cấp thẻ nhận diện thông báo tổ chức giao thông của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã được số hóa kèm theo thẻ nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện. Các đơn vị tự in, đóng dấu vào thẻ nhận diện phương tiện và gắn lên kính chắn gió phía trước của xe ô tô khu vực phía bên phải người lái xe.

"Sở GTVT TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thủ tục để các Sở GTVT có liên quan và các đơn vị thực hiện. Hình thức thực hiện qua zalo (hoặc email) của Sở GTVT, thời gian cấp thẻ nhận diện trong 24 giờ", Tổng cục Đường bộ VN cho biết.

Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh cung cấp danh sách xe ô tô theo hướng dẫn của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh; đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ email và hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn địa phương mình thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GTVT các tỉnh tổng hợp và cung cấp danh sách xe ô tô, thông tin theo hướng dẫn về Sở GTVT TP Hồ Chí Minh để thực hiện cấp thẻ nhận diện cho phương tiện.

img

Bản đồ hướng dẫn phương tiện lưu thông của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh

Loại hình vận chuyển được cấp thẻ nhận diện phương tiện là xe ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được lưu thông đi đến, đi qua TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Xe ô tô từ các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan được lưu thông đi đến, đi qua TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Xe ô tô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn thành phố.

Quy trình kiểm tra, kiểm soát trên đường thực hiện thế nào?

Cụ thể, theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ VN, các đầu mối cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hoặc trên địa bàn các tỉnh, thành phố có liên quan đến xe ô tô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được lưu thông đi đến, đi qua TP Hồ Chí Minh và ngược lại cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa đến các cảng cho Sở GTVT TP Hồ Chí Minh để thực hiện cấp thẻ nhận diện cho phương tiện.

Sau khi các phương tiện được cấp thẻ nhận diện, Sở GTVT các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành tại chốt kiểm soát, các lực lượng chức năng trên đường có liên quan tạo điều kiện cho các xe ô tô được hoạt động thuận lợi.

Đối với người lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe, đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, Tổng cục Đường bộ VN nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm lưu thông đúng lộ trình và đúng mục đích.

Phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương (chú ý đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên); Khi lưu thông trên đường, người điều khiển phương tiện phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính theo quy định của ngành y tế.

Khi lưu thông phải mang theo thông báo, thẻ nhận diện phương tiện, các giấy tờ liên quan và các quy định khác của pháp luật về giao thông đường bộ; phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông, các lực lượng chức năng trên đường bộ. Chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các nội dung về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan khác có liên quan.

Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp không đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, để lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe làm lây lan dịch bệnh Covid-19 trong quá trình vận chuyển.

Đơn vị kinh doanh vận tải cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe có đủ điều kiện phòng chống dịch theo quy định mới được tham gia vận chuyển. Đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường việc kiểm tra kiểm soát trước, trong và sau khi vận chuyển về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và công tác phòng chống dịch theo quy định.

Công khai đường dây nóng, zalo, email để kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Tổng cục Đường bộ VN cũng giao Sở GTVT TP Hồ Chí Minh công khai đường dây nóng, công bố địa chỉ zalo, email của Sở và các đơn vị có liên quan để kịp thời giải quyết theo yêu cầu của đơn vị và các Sở GTVT khác. Chịu trách nhiệm chủ trì giải quyết vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đối với Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu chủ động phối hợp với lực lượng kiểm tra tại các chốt kiểm soát ở địa phương đã được công bố thực hiện tổ chức giao thông, điều tiết phân luồng đảm bảo cho phương tiện vận chuyển được lưu thông, thông suốt liên tục (24/24h). Phối hợp với các địa phương tổng hợp và công bố luồng xanh từ các địa phương đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

"Vào 17 giờ hàng ngày, tổng hợp và báo cáo kết quả tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, các vướng mắc khó khăn cần xử lý gấp tại các chốt kiểm soát, các đầu mối bốc xếp hàng hóa và các vị trí khác theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương về Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan chức năng có liên quan tại địa phương", Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Các cơ quan chức năng trên đường, tổ kiểm soát tại địa phương, Tổng cục Đường bộ hướng dẫn thông qua mã QR trên giấy nhận diện, các đơn vị chức năng có thể sử dụng phần mềm để quét mã QR, qua đó sẽ kết nối với phần mềm của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và hiện đầy đủ thông tin liên quan đến phương tiện để từ đó tạo thuận lợi cho phương tiện được lưu thông nhanh nhất.

img

Phương án cho phương tiện lưu thông quá cảnh qua TP Hồ Chí Minh:

1. Các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) đi tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và ngược lại: Lộ trình 1: QL1→QL62→QLN2→Tỉnh lộ 8→Huỳnh Văn Cù→QL13→tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước. Lộ trình 2: cao tốc Tp Hồ Chí Minh - Trung Lương→QL1→QL13→tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước.

2. Các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) về tỉnh Đồng Nai và ngược lại: Lộ trình 1: QL1→QL62→QLN2→TL8→Huỳnh Văn Cù→QL13→Phú Lợi→Mỹ Phước - Tân Vạn→QL1K→ tỉnh Đồng Nai. Lộ trình 2: TL8 - QL22→QL1→cầu Đồng Nai→QL51→tỉnh Đồng Nai. Lộ trình 3: QL1→Xa lộ Hà Nội→đường D1→đường D2→Võ Chí Công→ cao tốc TPHCM-Long Thành Dầu Giây→tỉnh Đồng Nai. Lộ trình 4: QL1 - Nguyễn Văn Linh - Cầu Phú Mỹ - Võ Chí Công - cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

3. Các tỉnh miền Tây (tỉnh Long An) về tỉnh Tây Ninh và ngược lại: Lộ trình 1: QL1→QL62→QLN2→ĐT 825→ĐT 822→TL7→QL22→tỉnh Tây Ninh. Lộ trình 2: QL1→QL22→tỉnh Tây Ninh.

4. Hướng lưu thông từ tỉnh Tây Ninh về tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại: Lộ trình 1: QL22→Tỉnh lộ 8→Huỳnh Văn Cù→QL13→Phú Lợi→Mỹ Phước-Tân Vạn→ĐT743A → cầu Đồng Nai→QL51→ tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lộ trình 2: QL22→QL1→cầu Đồng Nai→QL51→tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lộ trình 3: QL22→QL1→Xa lộ Hà Nội→đường D1→đường D2→Võ Chí Công→đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây→tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.