Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Theo Bộ Lao động thương binh và xã hội, phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, nhưng lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 nhưng độ tuổi nghỉ hưu của nam được nâng lên 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Nhìn chung, tuổi nghỉ hưu cần phải được xem xét để điều chỉnh. Từ khi có chính sách BHXH đến nay, tuổi nghỉ hưu vẫn giữ ở mức 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. Trong khi đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 73,4 tuổi nên việc nâng tuổi nghỉ hưu là việc cấp thiết. Bởi nếu giữ nguyên như hiện nay, anh sống tuổi thọ cao mà đóng góp ít, thời gian đóng ngắn, mức hưởng cao và thời gian hưởng lại dài thì không thể cân đối được quỹ BHXH.
Tuy nhiên, nếu thực hiện ngay từ năm 2021 như đề xuất thì chưa khả thi. Bởi lẽ, nguồn nhân lực chất lượng còn thấp (lao động qua đào tạo mới đạt 56%), chủ yếu là lao động phổ thông, cung lao động đang lớn hơn cầu sử dụng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đặc biệt đối với nhóm tuổi thanh niên còn cao, nên nếu đặt vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021, kể cả theo lộ trình nâng dần mỗi năm 3 tháng, nó sẽ tác động ngay đến người lao động, đặc biệt là những người lao động nặng nhọc, độc hại, lao động phổ thông.
Vì thế, trước mắt nên thực hiện theo Bộ luật Lao động hiện hành, vì Điều 187 của Bộ luật Lao động đã cho phép người lao động quản lý, người có trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể kéo dài thời gian làm việc nhưng tối đa không quá 5 năm, quy định này thực chất đã nâng tuổi nghỉ hưu cho nhóm này (là nhóm có nhiều ý kiến cần nâng tuổi nghỉ hưu). Nhưng với nhóm lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và suy giảm sức khỏe từ 61% trở lên… thì vẫn phải tạo điều kiện cho họ về hưu sớm.
Tôi cho rằng, nên kéo dài thêm một lộ trình nữa đến năm 2025 mới bắt đầu thực hiện nâng tuổi hưu của nam lên 62, nữ lên 60 và cũng phải có lộ trình nâng theo từng nhóm, nhóm có điều kiện lao động tốt trước để bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Còn những nhóm lao động khác cần có lộ trình dài hơn, nhằm mục đích để các cơ sở sản xuất, các cơ quan, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện lao động tốt hơn, khi đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.
Về cách thức nâng, cũng không nên nâng theo kiểu lộ trình 3-4 tháng mỗi năm, vì như thế vừa gây khó cho cơ quan quản lý, vừa tạo năng suất lao động thấp, bởi lẽ ai trong thời gian tăng thêm ngắn ngủi như vậy cũng dễ có tâm lý rã đám, không chú tâm vào công việc.
BÙI SỸ LỢI
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận