Ngày 22/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là “phong sát”.
Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Cần trả lại môi trường trong sạch cho nghệ thuật
Theo ông, việc xây dựng quy định hạn chế biểu diễn, cấm sóng với nghệ sĩ vi phạm pháp luật có vai trò như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa PGS. TS Bùi Hoài Sơn?
Trong thời gian vừa qua, bên cạnh nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng, những tấm gương nghệ sĩ cống hiến quên mình, truyền cảm hứng về lòng tốt thì cũng có số ít các sản phẩm không phù hợp, cổ vũ cho những hành vi, lối sống lệch chuẩn, tiêu cực. Đó là điều đáng tiếc không chỉ đối với cá nhân nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường nghệ thuật nước nhà.
Trong bối cảnh đó, người nghệ sĩ có trách nhiệm nặng nề (và cũng là vinh dự) đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là đạo đức xã hội.
Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là luật pháp tối đa, nên trước hết nghệ sĩ phải được xử lý theo các quy định cụ thể của luật pháp.
Bên cạnh áp lực từ dư luận xã hội, khán giả lên án những hành vi lệch chuẩn, chúng ta cũng cần có những chế tài mạnh mẽ hơn như cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong một khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi của nghệ sĩ.
Điều này sẽ trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật, có tác dụng tốt đối với sự phát triển đạo đức cho xã hội.
Diễn viên hài Hữu Tín vừa bị truy tố tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Các chế tài từ quy định của pháp luật sẽ giúp cho nghệ sĩ ý thức đầy đủ và rõ ràng hơn về hành vi của mình, nhưng cũng chỉ nên xem là điều quan trọng phải được xem xét cuối cùng.
Điều chúng ta mong đợi là các nghệ sĩ không phạm sai lầm để chúng ta không phải xử lý theo các quy định của pháp luật. Vì thế, trước hết, chúng ta mong muốn người nghệ sĩ có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm xã hội của mình. Có thể nói, uy tín, thương hiệu của người nghệ sĩ không dễ để đạt được nhưng rất nhanh chóng bị đánh mất. Hình ảnh đẹp của nghệ sĩ nhất định phải được giữ gìn ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc.
Không cấm hoàn toàn nghệ sĩ quay lại biểu diễn
Nếu được ban hành, theo ông, quy định này nên được thực hiện như thế nào để đủ sức răn đe?
Để có quy định xử phạt, bộ ngành cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt nên tham khảo các nước có văn hóa gần gũi với Việt Nam. Đng thời, dựa vào những quy phạm pháp luật đã có trên cơ sở tạo ra sự răn đe đủ lớn để văn nghệ sĩ ý thức nhiều hơn về vai trò của mình.
Về cơ bản, chúng ta không cấm hoàn toàn nghệ sĩ quay lại biểu diễn, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng. Nhiều nghệ sĩ là những người tài năng. Nếu chúng ta biết cách sử dụng tài năng của nghệ sĩ thì nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung cũng được hưởng lợi.
Hơn thế, người Việt Nam chúng ta có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, trong những trường hợp nhất định, nghệ sĩ có thể quay lại với nghệ thuật.
Tuy vậy, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự cầu thị của người nghệ sĩ, theo đó, họ có những quyết tâm và nỗ lực để thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn. Việc sửa chữa sai lầm để mình trưởng thành hơn trong cuộc sống và nghệ thuật, đây cũng là chuyện bình thường.
Thứ hai là mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ. Có những hành vi do vô tình, bồng bột, thiếu hiểu biết,… có thể được dư luận xã hội tha thứ, cảm thông nhưng cũng có những hành vi nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần không thể tha thứ được trong môi trường nghệ thuật. Đối với những nghệ sĩ như vậy thì cách tốt nhất là chúng ta nên loại họ ra khỏi đời sống nghệ thuật.
Điều này không chỉ tốt cho xã hội nói chung mà còn tốt cho chính nghệ sĩ đó! Khi xây dựng được môi trường nghệ thuật hướng thiện, chúng ta có điều kiện để phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới ước mơ thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh hơn, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được thắng lợi cuối cùng một cách dễ dàng hơn. Chính vì thế, người nghệ sĩ – trung tâm của nghệ thuật – luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Chúng ta luôn mong muốn các nghệ sĩ là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng cho toàn xã hội đến những giá trị chân – thiện – mỹ.
Trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5/1/1952, đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Bác như một sự khẳng định về vai trò, vị trí và ý nghĩa của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước".
PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận